“Chúng tôi đang đầy ắp đơn hàng đến từ các khách hàng Mỹ, Nhật, châu Âu. Những khó khăn của đợt dịch lần thứ tư đang dần lùi lại phía sau và mọi người đang kỳ vọng về sự tăng trưởng lạc quan từ nay đến cuối năm 2021 cũng như cho cả năm 2022” - ông Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony, hào hứng nói.
Niềm tin đã trở lại
Sự hào hứng của các nhà sản xuất, kinh doanh Việt đang thể hiện rất rõ qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 10-2021 đã đạt mức trên 52 điểm, tăng gần 10 điểm so với tháng 9. Điều này cho thấy các điều kiện sản xuất, kinh doanh đã được cải thiện, từ đó kết thúc thời kỳ suy giảm kéo dài nhiều tháng.
Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, nhìn nhận các công ty Việt Nam đã quay lại sản xuất một cách tích cực trong tháng 10, thời điểm kết thúc các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các công ty cũng đang ngày càng tự tin hơn về triển vọng kinh doanh trong các tháng tiếp theo.
Đáng chú ý, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động mua hàng đã tăng trở lại. Đặc biệt việc nới lỏng các hạn chế do COVID-19 đã giúp các công ty tái khởi động sản xuất mạnh mẽ, trong khi những công ty khác tăng sản lượng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Kết quả là sản lượng được ghi nhận tăng lần đầu tiên trong năm tháng.
TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đánh giá: Dù gặp nhiều khó khăn trong đại dịch nhưng các công ty Việt rất kiên cường, dũng cảm. Những đơn vị này có thể đóng cửa để cắt lỗ nếu tính theo bài toán kinh tế nhưng phần đông vẫn cố gắng trụ lại để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào tăng trưởng.
“Ngoài ra, cần phải đánh giá tầm quan trọng của Nghị quyết 128 với các quy định sống chung an toàn với dịch bệnh đã tạo điều kiện mở cửa kinh tế, giúp vực lại sự tăng trưởng GDP âm trong quý 3. Nếu không kịp thời có nghị quyết này thì tốc độ âm sâu còn tiếp tục, cái giá phải trả là rất lớn vì doanh nghiệp đã kiệt quệ sẽ không phục hồi được nữa” - ông Lộc nói.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11-2021 mới phát hành, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài. Tuy nhiên, những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới.
Nhu cầu tiêu dùng, sức mua của người dân đang dần tăng trở lại nhờ nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: TU
Vượt trở ngại để tăng tốc
Tuy kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng áp lực giá cả tăng vẫn mạnh do chi phí đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng và nguồn nguyên vật liệu khan hiếm khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, cho rằng những khó khăn với hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng vẫn chưa kết thúc khiến việc tìm kiếm nguồn hàng cũng như phân phối sản phẩm trở nên khó khăn.
Mặt khác, một số công ty vẫn đang đợi công nhân trở lại làm việc. “Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công nhưng hy vọng những khó khăn này sẽ giảm bớt khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục bình thường trở lại trong thời gian tới” - ông nói.
Theo TS Cấn Văn Lực, để duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế cần tập trung triển khai nhiều giải pháp mà trước mắt là tiếp tục đẩy nhanh gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Thực tế Việt Nam vẫn còn đang làm chậm điều này.
“Các nước tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất… chứ ít tập trung vào giãn, hoãn thuế và nghĩa vụ trả nợ như Việt Nam. Các nước triển khai các gói này nhanh gọn và chú trọng công nghệ thông tin, có kế hoạch phục hồi kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo. Họ cũng chấp nhận chi ngân sách tăng, nợ công tăng, nợ nước ngoài tăng” - ông Lực cho biết.
Vị chuyên gia này thông tin thêm: Qua tính toán cho thấy cả gói hỗ trợ tài khóa lẫn tiền tệ của Việt Nam tương đương 4% GDP từ năm 2020 đến nay. Như vậy Việt Nam tung gói hỗ trợ bằng các nước thu nhập thấp trên thế giới. “Rõ ràng chúng ta còn khiêm tốn với quốc tế. Dư địa tài khóa vẫn còn nên chúng ta có thể tăng hỗ trợ thêm 1%-2% GDP, tức là 80.000-160.000 tỉ đồng” - ông Lực khuyến nghị.
TS Vũ Tiến Lộc thì cho rằng các cơ quan chức năng cần tiếp tục cởi trói về thủ tục hành chính, chính sách cho nhà sản xuất, kinh doanh. “Bao nhiêu năm rồi làm cái này mãi chưa xong, trong khi lẽ ra chính sách là hỗ trợ thúc đẩy chứ không phải tháo gỡ. Luật còn chồng chéo, thủ tục quy định còn phức tạp, phiền hà. Doanh nghiệp không chỉ cần tiền mà cần hỗ trợ từ Nhà nước để nâng cao năng lực như chương trình đào tạo, thông tin, tư vấn để nâng cấp doanh nghiệp. Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam” - ông nhấn mạnh.
Tiêm vaccine một cách nhanh chóng
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11-2021 mới phát hành, World Bank nhận định: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 vừa qua đã tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với một năm trước. Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại TP.HCM và các trung tâm công nghiệp lân cận được tái khởi động.
Cũng trong tháng 10, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1% so với tháng 9 nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Đặc biệt, thặng dư thương mại đạt 2,85 tỉ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7%, trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm xuống còn 8,1% so với tháng trước.
Tuy vậy, World Bank khuyến nghị cần tiếp tục triển khai tiêm vaccine một cách nhanh chóng; giảm thuế giá trị gia tăng trong tháng 11 và tháng 12-2021 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống, giải trí; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu...