Những con số tích cực của nền kinh tế Việt Nam
Theo kết quả sơ bộ từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Bộ Công Thương, xu hướng này rất rõ rệt khi xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục, các chỉ số tương ứng quan trọng của nền kinh tế vẫn rất tích cực.
Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Hải quan cũng như Bộ Công Thương vừa công bố, tính đến hết ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 633,22 tỷ USD, tăng 22,9%, tương đương mức tăng 117,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Theo Bộ Công Thương, vượt qua nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Ngoài ra, việc thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) hiệu quả cũng được coi là yếu tố quan trọng đóng góp cho lĩnh vực xuất nhập khẩu năm 2021.
Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7%, tương ứng tăng 50,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là thành tích tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và các lệnh giãn cách kéo dài khiến kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành xuất nhập khẩu nói riêng bị tác động mạnh. Hoạt động xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp và dự báo xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế năm 2022.
Sputnik dẫn dự báo năm 2022 từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho đến các chuyên gia, nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ vào những động lực thúc đẩy GDP phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI, các chính sách kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Dù chưa hết 2021, nhưng nhìn vào các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn làm được những điều "phi thường". Trong khi biến thể Delta và sau đó là biến thể Omicron khiến nhiều nước trên thế giới chao đảo, song Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trên 2%.
Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn cho xuất khẩu của cả nước. Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc trên 660 tỷ USD, tăng trên 21%, thậm chí là 22%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là việc chuyển kế hoạch từ "Zero Covid” sang thích ứng an toàn, chủ động, kiểm soát dịch bệnh.
Giới chuyên gia dự báo kinh tế thế giới mất ít nhất 2 năm để phục hồi
Nhận định của các quan chức và giới chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Delphi VI, diễn ra tại Thủ đô Athens của Hy Lạp theo hình thức trực tuyến: Kinh tế toàn cầu phải mất ít nhất 2 năm để hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Tại sự kiện này, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, Christopher Pissarides, nhận định quá trình phục hồi sẽ cần thời gian ít nhất là 2 năm và nền kinh tế không thể khởi động đơn giản chỉ bằng cách "ấn nút". Đồng quan điểm trên, ông Gunther Oettinger, cựu Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Nguồn nhân lực, cho biết, nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái bình thường chậm nhất là vào năm 2024.
Trong khi đó, ông Barry Eichengreen, Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, cho biết so với cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, sự phục hồi lần này sẽ nhanh hơn nhưng "sẽ không nhanh như việc bật công tắc".
Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna nhận định khủng hoảng dịch Covid-19 sẽ là cuộc “khủng hoảng hình chữ V”, vì vậy sau tình trạng suy thoái sâu sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Gramegna cũng nhấn mạnh các Chính phủ không nên lặp lại những sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo quan chức này, thay vì gấp rút khôi phục ngân sách như nhiều nước đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng trước, thì lúc này cần phải chú trọng đầu tư để tạo đà phục hồi.
Đề cập ở khía cạnh khác, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cho biết, cuộc khủng hoảng Covid-19 được xem là chất xúc tác cho nền kinh tế châu Âu và thế giới. Theo ông, đây là lời cảnh tỉnh giúp phát hiện những điểm yếu của các nền kinh tế và đẩy nhanh tiến trình số hóa. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng.