Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh, vì sao chứng khoán vẫn lao dốc?

19/05/2022 09:50

Tác nhân chính cho việc giảm điểm của chỉ số VN Index chính là sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Trong báo cáo mới phát hành, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital cho biết, chỉ số VN Index đã giảm 11% vào tuần trước và giảm 21% so với đầu năm sau khi chỉ số này gần như đi ngang từ đầu năm cho đến cuối tháng 3.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, điều đang thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đầy ấn tượng nên tác nhân chính cho việc giảm điểm của chỉ số VN Index chính là sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Tính đến ngày 13-5, chỉ số VN Index giảm 21,1% so với đầu năm, trong khi SP500 giảm 15,6%, chỉ số MSCI-EM giảm 18,5% và chỉ số MSCI-Frontier Market giảm 13,2%.

Sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu là do kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed). Các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên sẽ gánh chịu áp lực từ mức tăng giá trị 15% so với cùng kỳ năm ngoái của đồng USD.

Sự tăng giá của đồng USD thường không thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ vốn vào các thị trường mới nổi và cận biên.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều điểm mạnh.

"Bên cạnh vấn đề thị trường chứng khoán toàn cầu đang sụt giảm, việc nhà đầu tư buộc phải bán các cổ phiếu liên quan đến cho vay ký quỹ đang tạo ra áp lực nặng nề lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai tuần qua.

Số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tăng gần 70% trong 12 tháng qua. Hầu hết những người mới tham gia thị trường đều có xu hướng thích mở tài khoản giao dịch ký quỹ với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng trên thị trường chứng khoán.

Chúng tôi hiểu rằng sự giảm điểm tại thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã kích hoạt các lệnh dừng ký quỹ (margin call) và nhiều nhà đầu tư mới này đang từ bỏ các vị thế mua của họ" - ông Michael Kokalari nói.

Theo ông Michael Kokalari, dù giảm điểm nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những điểm mạnh. Điểm mạnh đó bao gồm tỉ lệ P/E kỳ vọng đạt 11,4 lần so với kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đồng thuận đạt 21% đối với các cổ phiếu trong năm nay, và mức chiết khấu định giá khoảng 30% so với các quốc gia cùng khu vực.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh, vì sao chứng khoán vẫn lao dốc?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).