Dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh Kon Tum cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 607/QĐ-UBND, ngày 17 tháng 08 năm 2015 cho Công ty TNHH Đăng Vinh (trụ sở tại Bình Định) có chi nhánh ở huyện Kon Plông. Ngày 20/04/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã ký Hợp đồng thuê đất số 165/HĐ-TĐ cho Công ty TNHH Đăng Vinh (sau đây gọi tắt là Công ty Đăng Vinh) thuê hơn 198,7ha đất trồng cây lâu năm để thực hiện đầu tư dự án, thời hạn thuê đất kể từ ngày 11/01/2017.
Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum đã chuyển hơn 187,7ha đất trồng rừng sang đất trồng cây lâu năm. Công ty Đăng Vinh được thuê đất để thực hiện dự án với thời hạn là 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm.
Theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, tại khoản 3 Điều 20 quy định “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư".
So sánh với việc UBND tỉnh Kon Tum cho thu hồi hơn 187,7 ha rừng thông 20 năm tuổi chuyển mục đích sử dụng, đã vượt luật làm lợi cho doanh nghiệp.
Theo như cam kết của nhà đầu tư, từ năm 2017 đến 2019, tiến độ thực hiện dự án phải trồng xong 177ha cây mắc ca và đến năm 2021 sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên sau hơn 5 năm vẽ ra dự án, hiện một phần diện tích đất đã bị người dân lấn chiếm, một phần để đất trống, phần còn lại trồng cây nhưng chết và sinh trưởng kém.
Kết quả kiểm tra mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, đến nay, nhà đầu tư dự án đã trồng khoảng 150ha cây mắc ca, trong đó có khoảng 15ha đơn vị trồng thí điểm xen 4.000 cây ăn trái (mít, bưởi, hoa anh đào), còn lại một số vị trí chưa trồng cây do sườn dốc, sình lầy…
Hiện tại, các loại cây mít, bưởi, hoa anh đào trồng xen với cây mắc ca sinh trưởng kém, hầu hết đã bị chết do trâu, bò phá hoại. Đối với giống cây mắc ca (H2) trồng khoảng 20ha từ năm 2018, cây sinh trưởng chậm.
Trong khi đó, giống cây mắc ca (OC, 508) trồng khoảng 130ha (trồng trong 3 năm 2018, 2019 và 2020) sinh trưởng đạt tỷ lệ sống đạt 72 - 80%. Hiện nay, khu vực dự án có 4,69ha chồng lấn lên diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân đã được UBND huyện Kon Plông cấp năm 2011. Bên cạnh đó, có 3,56ha đất bị các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm.
Trong một báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum năm 2017 cho biết, 198,9 ha rừng thông được tỉnh cho phép Công ty TNHH Đăng Vinh chuyển sang trồng cây mắc ca đã đủ tuổi khai thác (tuổi cây từ 20-25 năm), sản lượng bình quân đạt thấp, chỉ 50m3/ha. So sánh với 1 ha rừng thông làm nguyên liệu giấy thì chỉ đạt 1/3 khối lượng.
Mặc dù dự án liên tục có biểu hiện chậm tiến độ, không mang lại hiệu quả nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến 31/12/2023, hiện đang chờ UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đây là lần xin điều chỉnh thứ 3, trước đó UBND tỉnh Kon Tum đã cho điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 lần vào năm 2016 và 2020.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường của "siêu dự án" trồng mắc ca Công ty TNHH Đăng Vinh thì phần lớn diện tích 200ha vẫn là đồi trọc. Tại một số quả đồi, cây thông đã bị chặt hạ để thay thế bằng cây mắc ca và các loại cây ăn trái nhưng không nhiều.