Trong danh sách 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký thử nghiệm và đề nghị công nhận COD tính đến hết ngày 3/8 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có xuất hiện các nhà máy điện gió do ông Đỗ Lê Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị chủ đầu tư nhà máy điện gió Tài Tâm với công suất 50MW có tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Hoàng Hải công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.700 tỉ đồng cũng gấp rút thi công, tăng tốc lắp toubin, chạy thử nghiệm hoàn thành dự án.
Điều khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn là, kể từ khi được thuê đất đến thời điểm EVN công bố nhà máy điện gió Tài Tâm gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD là khá gấp rút, khó khả thi.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án mới được UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê đất trước đó khoảng nửa tháng, vào ngày 16/7.
Mặc dù dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 27/11/2020, nhưng phải đến ngày 16/7/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ông Hà Sỹ Đồng mới ký quyết định số 1480/QĐ-UBND về việc cho chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị thuê đất đợt 1 để xây dựng nhà máy điện gió Tài Tâm.
Theo quyết định này, diện tích thuê là 239.933 m2 (đã được UBND huyện Hướng Hóa thu hồi tại Quyết định số 1695/QĐ-UBND ngày 15/6/2021, Quyết định 2036/QĐ-UBND ngày 6/7/2021) gồm các thửa đất thuộc tờ bản đồ địa chính số 01, 03 (tỉ lệ 1/10.000) tại địa bàn xã Húc, huyện Hướng Hóa, hình thức sẽ trả tiền thuê đất từng năm (Đất ở xây dựng công trình có hiệu lực đến 27/11/2070).
Tại điều 2 của Quyết định cho thuê đất đợt 1 có đề cập đến trách nhiệm của Chủ đầu tư như sau: Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị phải hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng… theo quy định của pháp luật trước khi triển khai xây dựng công trình. Quá trình triển khai và vận hành dự án không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, đi lại của người dân và các đơn vị có liên quan trong vùng dự án…
Như vậy, kể từ khi được thuê đất đến thời điểm EVN công bố nhà máy điện gió Tài Tâm gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD chỉ là 18 ngày.
Với thời gian gấp rút như vậy, có hay không việc Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị của ông Đỗ Lê Quân vì hưởng giá điện ưu đãi mà bất chấp các quy định, đăng ký vận hành thử khi chưa đủ điều kiện?
Dấu hỏi về việc Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị đã cố tình thi công dự án nhà máy khi chưa được thuê đất, chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng... cũng được dư luận đặt ra.
Cụ thể, tính đến ngày 21/7, dự án điện gió Tài Tâm mới được thuê 239.933 trên tổng 325.000 m2, phần còn lại chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Tương tự, dự án điện gió Hoàng Hải mới chỉ “gom” được 259.370m2, khoảng 65.630 m2 diện tích thuộc bãi tạm thời, khu phụ trợ vẫn còn trong diện tranh chấp…
Áp dụng Luật Đất đai và các văn bản pháp lý liên quan, chỉ sau khi có quyết định cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền và được bàn giao ranh giới trên thực địa thì chủ đầu tư, nhà thầu mới được phép khởi công xây dựng. Nhưng các dự án điện gió đã thi công rầm rộ, có vi phạm quy định của pháp luật?
Cần biết, với hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời mà ông Đỗ Lê Quân là chủ đầu tư, luôn có nhiều vấn đề về vốn, an ninh trật tự, thậm chí là bất ổn xã hội... Ở nhiều địa phương khác, sau khi các doanh nghiệp đứng tên đại gia Đỗ Lê Quân triển khai dự án đã nhanh chóng trở thành những điểm nóng về trật tự an toàn xã hội.
Ngày 17/5 vừa qua, điều tra của phóng viên Báo CAND tại Đắk Lắk cho biết, tại các dự án điện tái tạo do ông Đỗ Lê Quân đầu tư tại địa bàn huyện Ea H’leo và Ea Súp, phát hiện có 69 chuyên gia người Trung Quốc đang làm việc nhưng tất cả đều chưa được cấp phép lao động.
Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, qua rà soát, cơ quan chức năng tỉnh này cũng phát hiện có 28 người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án điện gió ở huyện Đắk Glêi chưa được cấp phép lao động.
Tại tỉnh Gia Lai, có tổng cộng 46 người nước ngoài đã được cấp phép lao động, riêng số người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án thì chưa thống kê được và đang tiến hành cho rà soát lại.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, Báo CAND thông tin, qua kiểm tra tại Dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3, huyện Đắk Song, tỉnh này đã phát hiện có 102 người lao động người Trung Quốc đang làm việc tại đây. Tuy nhiên, trong tổng số 102 người Trung Quốc này thì chỉ có duy nhất 1 người được cấp phép lao động, 101 người còn lại chưa được cấp phép.
Có thể thấy, để kịp thời hưởng giá bán điện kéo dài trong 20 năm theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió phải có một phần hoặc toàn bộ nhà máy đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021, ông Đỗ Lê Quân đã phải "xoay xở" rất nhiều.
Được biết, giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới nằm trong đất liền có giá là 1.928 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscents/kWh. Giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới trên biển có giá 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscents/kWh.
Tuy nhiên, có phải đó là lý do chính để các ông chủ quyết tâm đầu tư, khẩn trương thi công, bất chấp các quy định để chạy nước rút kịp hoàn thành công nhận COD vào thời điểm ngày 31/10/2021?
Nhiều chuyên gia gắn bó hàng chục năm nay với thị trường năng lượng tái tạo khẳng định, đó chưa phải là vấn đề bản chất. Vậy, điều gì hấp dẫn khiến các đại gia bất động sản như ông Đỗ Lê Quân đổ hàng nghìn tỉ đồng vào năng lượng tái tạo?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này trong "Kỳ 3: Đại gia bất động sản làm điện gió: Cú áp phe nghìn tỉ?".