Kỳ 2: Người tham gia góp vốn “ôm trái đắng”?

23/08/2022 16:55

Hơn 10 năm góp vốn, đợi chờ, nhiều khách hàng đã “gửi trọn niềm tin” vào Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam nhận phải “trái đắng” khi kết quả không như mong đợi.

Từ năm 2003 đến nay, Quảng Nam đã quyết định đầu tư 144 dự án khu dân cư, đô thị, tái định cư. Trong đó, tại thị xã Điện Bàn có 108 dự án, riêng Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 79 dự án. Tuy nhiên, hình hài của một đô thị hiện đại (Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) vẫn chỉ nằm trên kỳ vọng khi hiện có đến 64 trong 79 dự án tại đô thị mới này đang thực hiện các thủ tục đầu tư. 31 dự án trong đó đang được thi công dang dở, 33 dự án còn lại bị “treo” đã nhiều năm làm cho cơ sở hạ tầng không được khớp nối đồng bộ, ảnh hưởng đến đời sống người dân và định hướng phát triển của địa phương.

Tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty Xây dựng và Cấp thoát nước Quảng Nam (nay là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam) thực hiện 2 dự án: Khu đô thị số 9 có diện tích 54,6ha và Khu đô thị số 9 mở rộng có diện tích 10,273ha đều thuộc địa bàn phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, tại Khu đô thị số 9, tính đến năm 2020, chính quyền địa phương đã cấp giấy chứng nhận cho 873 lô/1.393 lô đất theo quy hoạch.

Theo tìm hiểu, hiện có rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng mua đất tại dự án Khu đô thị số 9 bị chủ đầu tư “lật kèo”, không những vậy, họ bị chủ đầy tư kiện ngược ra tòa. Chuyện gì đang xảy ra ở Khu đô thị số 9?

 

du-an-khu-do-thi-so-9-tai-do-thi-moi-dien-nam-dien-ngoc-sau-gan-20-nam-trien-khai-van-chua-hoan-thanh-1661246797.jfifKhu đô thị số 9 do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam làm chủ đầu tư

Từ tháng 9/2010, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam thực hiện kế hoạch huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng Khu đô thị số 9 tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thông qua các hợp đồng huy động góp vốn để chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị số 9 với lượng lớn khách hàng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam đã có điều kiện thuận lợi để thực hiện các khâu như giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước,…

Tuy nhiên, hơn 10 năm đợi chờ, nhiều khách hàng đã “gửi trọn niềm tin” vào Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam nhận phải “trái đắng” khi kết quả không như mong đợi. Có trường hợp dở khóc, dở cười khi biết được lô đất mà mình góp vốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016 nhưng chủ đầu tư không liên lạc với khách hàng để làm thủ tục nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất mà lại đi bán cho người khác. Bi hài hơn, có nhiều trường hợp hiện nay đang bị chính chủ đầu tư khởi kiện ra tòa án,…

Chủ đầu tư có phá vỡ quy hoạch được duyệt?

Ngày 18/2/2011, ông Hồ Văn Có đã ký kết với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam các hợp đồng số 69/HĐHĐV-CTN và số 70/HĐHĐV-CTN để góp vốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với lô đất có ký hiệu 44-E12 và 45-E12 tại dự án Khu đô thị số 9, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Theo thỏa thuận, ngay sau khi ký hợp đồng góp vốn, ông Có phải nộp trước cho chủ đầu tư số tiền tương ứng 15% giá trị của lô đất. Sau khi chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và biên bản giao nhận đất; nhận bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dựng đất thì ông Có tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến lô đất. Theo các hợp đồng góp vốn kể trên thì thời gian dự kiến bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ là tháng 8/2011.

ngoi-nha-thuoc-dien-tai-dinh-cu-xay-dung-tren-dat-o-phan-lo-nha-lien-ke-da-duoc-cong-ty-ky-hop-dong-gop-von-voi-khach-hang-1661246853.jpgNgôi nhà thuộc diện tái định cư xây dựng trên đất ở phân lô nhà liền kề đã được công ty ký hợp đồng góp vốn với khách hàng

Ông Hồ Văn Có, cho biết: “Đã hơn 11 năm, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam không có thông báo gì đến khách hàng về kế hoạch bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi càng bất ngờ hơn khi biết 2 lô đất mà tôi góp vốn đã bị chủ đầu tư giao cho hộ tái định cư sử dụng và xây dựng nhà ở”.

Bất ngờ với sự việc kể trên, ông Có đã gửi đơn đến chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đề nghị kiểm tra tính pháp lý đối với 2 lô đất mà chủ đầu tư giao cho hộ tái định cư. Ngày 6/6/2022, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam có thông báo gửi đến ông Hồ Văn Có với nội dung thừa nhận đã không thể thực hiện giao đất đúng thời hạn đã cam kết. Cùng với đó, phía chủ đầu tư cho biết: “Đến nay, việc thực hiện hợp đồng huy động góp vốn trên vẫn không thực hiện được do không có đất thực tế. Tại vị trí của hai lô đất Công ty huy động góp vốn nằm trên đất của hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù, hộ dân có yêu cầu bố trí đất tái định cư tại chỗ và Công ty đã thống nhất và có phương án xin điều chỉnh quy hoạch để bố trí đất cho hộ dân tái định cư. Vì vậy không có đất thực tế để giao cho ông Hồ Văn Có”.

Ghi nhận của Reatimes, tại vị trí 2 lô đất mà ông Hồ Văn Có góp vốn hiện nay đã có công trình nhà ở được xây dựng và theo trình bày của phía chủ đầu tư thì đây là nhà ở của hộ tái định cư. Tuy nhiên, qua rà soát quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của dự án Khu đô thị số 9 thì việc chủ đầu tư bố trí tái định cư tại 2 lô đất ở phân lô nhà liền kề có ký hiệu 44-E12 và 45-E12 là không phù hợp. Kể từ khi được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết (1/500) lần đầu theo Quyết định số 564/QĐ-UB ngày 24/2/2004 đến nay, Khu đô thị số 9 đã tiếp tục trải qua 10 lần được điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng. Đáng chú ý là cả 10 lần điều chỉnh thì 2 lô đất có ký hiệu 44-E12 và 45-E12 đều không bị thay đổi tính chất là đất ở phân lô nhà liền kề.

Vậy, việc bố trí tái định cư trên đất ở phân lô nhà liền kề của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam tại Khu đô thị số 9 liệu đã phù hợp với quy hoạch được duyệt hay chưa? Ngoài việc không tuân thủ quy hoạch được duyệt thì việc bố trí tái định cư trên đất ở phân lô nhà liền kề không đồng đều cũng tạo ra sự bức xúc cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhiều người dân trước đó đã đồng tình với phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhận những lô đất tái định cư theo quy hoạch với mặt đường rộng 15,5m hay 17,5m tỏ ra bất bình với những trường hợp người dân bàn giao mặt bằng đi sau lại được bố trí tái định cư tại khu vực đất ở phân lô nhà liền kề có mặt đường rộng 27m?!

Mang đất đã góp vốn đi bán cho người khác?

Ngày 21/2/2011, ông Nguyễn Mạnh Hiền ký kết với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam hợp đồng số 71/HĐHĐV-CTN để góp vốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với lô đất ký hiệu 10-B9 tại dự án Khu đô thị số 9.

Cũng như trường hợp của ông Hồ Văn Có kể trên, chủ đầu tư cam kết thời gian dự kiến giao đất là đến tháng 8/2011. Theo ông Hiền, trước tình trạng chủ đầu tư không giao đất theo dự kiến, ông nhiều lần liên hệ với Văn phòng giao dịch và khai thác quỹ đất Khu đô thị số 9 (trực thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam - PV) nhưng được thông báo là chưa có sổ. Đến tháng 8/2019, ông Hiền có vào dự án gặp ông Hồ Công Đức (khi đấy là Trưởng Văn phòng giao dịch và khai thác quỹ đất Khu đô thị số 9) và được biết lô đất mình góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có sổ. Ông Đức đề nghị ông Hiền cung cấp giấy tờ liên quan để trình lãnh đạo công ty lập thủ tục bàn giao sổ. Tuy nhiên, mấy ngày sau, ông Hiền lại nhận được thông báo rằng chủ đầu tư không chấp nhận việc lập thủ tục giao sổ cho ông.

“Quá bức xúc, tôi vào thẳng công ty và khó khăn lắm mới gặp được ông Ngô Đức Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam, thì nhận được câu trả lời rằng không giao sổ đỏ cho tôi và tôi cứ việc kiện ra tòa”, ông Hiền chia sẻ.

Sau đó, đến tháng 5/2022, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam có thông báo gửi đến ông Hiền về nội dung mà ông Hiền kiến nghị. Ngoài việc thừa nhận đã không thể giao đất theo đúng cam kết là đến tháng 8/2011 thì chủ đầu tư cũng cho biết lô đất ký hiệu 10-B9 mà ông Hiền đặt cọc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 7/2016.

“Từ năm 2016 đến 2021, đã quá lâu ông Hiền không liên lạc với công ty để tiếp tục thực hiện hợp đồng góp vốn, lập thủ tục nhận đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên công ty đã sử dụng lô đất 10-B9 vào mục đích khác”, thông báo của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam gửi cho ông Hiền, nêu rõ lý do vì sao không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trái ngược với lý giải từ chủ đầu tư, ông Hiền khẳng định bản thân vẫn luôn chủ động liên lạc để nắm thông tin về lô đất mà mình đã góp vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cùng với đó, từ tháng 7/2016 (thời điểm mà lô đất 10-B9 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV) đến năm 2021, phía Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam không hề có một thông báo nào gửi đến ông yêu cầu lập thủ tục nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng theo ông Hiền tìm hiểu, từ khi lô đất 10-B9 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đã bị Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam đem bán cho người khác vào năm 2016.

“Tôi càng bức xúc hơn khi chủ đầu tư đưa ra 2 hướng giải quyết. Một là tôi sẽ được chuyển đổi đất sang vị trí khác nhưng với diện tích nhỏ hơn lô đất tôi đã góp vốn, vị trí lại xấu và tôi phải nộp tiền theo đơn giá cao hơn. Hai là chủ đầu tư sẽ hoàn trả số tiền tôi đã góp vốn vào hơn 10 năm trước và chịu phạt thêm 17%. Tôi nhận thấy đây là kiểu làm ăn ngang ngược, có ý đồ gian dối, lừa lọc, o ép khách hàng”, ông Nguyễn Mạnh Hiền cho biết thêm. 

Đợi chờ, để rồi bị kiện ra tòa…

Mới đây, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam đã có đơn gửi đến Tòa án nhân dân Thị xã Điện Bàn để khởi kiện bà Trần Thị Thanh Thúy, đề nghị Tòa án nhân dân Thị xã Điện Bàn tuyên bố chấm dứt việc huy động vốn để chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty với bà Thúy theo Giấy xác nhận số 40/BQL-ĐKSDĐ ngày 25/10/2010.

u-an-khu-do-thi-so-9-khien-nha-dau-tu-om-trai-dang-neu-bi-chu-dau-tu-lat-keo-1661246897.jpgViệc bán "lúa non" tại dự án Khu đô thị số 9 khiến nhà đầu tư ôm trái đắng nếu bị chủ đầu tư "lật kèo"

Trước đó, thông qua việc huy động vốn của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam tại Khu đô thị số 9, bà Trần Thị Thanh Thúy có thỏa thuận với Ban Quản lý các Dự án ĐT&XD - thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam và nhận giấy xác nhận đăng ký nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất E12 - Lô 22. Thời điểm năm 2010, lô đất E12 - Lô 22 có giá trị hơn 265 triệu đồng và bà Thúy đã nộp 80 triệu đồng (tương đương khoảng 30% giá trị lô đất) cho chủ đầu tư. Sau đó, bà Thúy thường xuyên liên hệ với Ban Quản lý dự án để yêu cầu được thanh toán các khoản tiền còn lại và được giao đất để sử dụng, nhưng phía Ban Quản lý thông báo chưa xong thủ tục pháp lý để giải quyết.

Đến ngày 28/6/2017, bà Thúy tiếp tục có đơn gửi đến lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam để xin nộp đủ tiền, nhận bàn giao mặt bằng và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với lô đất mình đã góp vốn trước đó. Đơn của bà Thúy nhận được bút phê “chuyển anh Đức làm việc cụ thể với khách hàng” của ông Ngô Đức Trung (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam) vào ngày 5/7/2017.

Tuy nhiên, trong thông báo gửi đến bà Thúy vào tháng 5/2022, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam cho rằng từ thời điểm đăng ký nhận quyền sử dụng đất đến năm 2021, bà Thúy không liên lạc với công ty để lập thủ tục nhận đất, vì vậy công ty đã sử dụng lô đất vào mục đích khác. Và cũng như trường hợp của ông Nguyễn Mạnh Hiền, chủ đầu tư đề nghị bà Thúy đổi sang lô đất khác và nộp tiền theo giá bảng giá thời kỳ 2020 - 2024 đã được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành (tại Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019) hoặc chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại số tiền bà Thúy đã góp vốn kèm theo khoản lãi tính theo lãi suất ngân hàng.

Tương tự như bà Trần Thị Thanh Thúy thì ông Hồ Văn Có, ông Nguyễn Mạnh Hiền cũng đang bị chính Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa chấm dứt việc huy động vốn để chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty với những cá nhân kể trên.

Như vậy, sau hơn 10 năm đợi chờ để được nhận đất tại dự án Khu đô thị số 9, nhiều người dân đã nhận phải cái kết đắng từ chủ đầu tư. Trong hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng có nhiều bước phát triển vượt bậc. Cùng với số tiền mà người dân bỏ ra để đầu tư tại dự án Khu đô thị số 9, nếu đầu tư tại một dự án khác và được đảm bảo quyền lợi thì có lẽ đến nay những người này đã nhận được phần giá trị tăng thêm gấp nhiều lần.

Và cũng trong hơn 10 năm qua, mặc dù chủ đầu tư đã không thể thực hiện giao đất theo đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng, nhưng đại đa số khách hàng góp vốn vào dự án vẫn kiên nhẫn đợi chờ, đặt lòng tin vào chủ đầu tư với một dự án quy mô, vị trí đắc địa và xứng đáng làm nơi để sinh sống sau này. Nhưng đến nay nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng với chủ đầu tư, cho rằng chủ đầu tư luôn tìm cách o ép, không quan tâm đến quyền lợi của khách hàng…

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ 2: Người tham gia góp vốn “ôm trái đắng”?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).