Kỳ 3: Những bất cập trong khâu giải phóng mặt bằng tại dự án Sông Lô?

29/07/2022 15:01

Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô của công ty Hoàn Cầu được cấp phép 50 năm nhưng đã 20 năm vẫn chưa xong bồi thường. Vậy nguyên nhân do đâu?

Mặc dù đã có rất nhiều đoàn Thanh tra chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường có các văn bản, kết luận, báo cáo liên quan đến dự án Khu du lịch Sông Lô nhưng nhiều nội dung của các kết luận chưa được người dân đồng tình nên người dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo.

Từ năm 2003 đến nay đã có đến 7 kết luận, báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 4 văn bản của Bộ Tài Nguyên - Môi trường liên quan đến dự án Khu du lịch giải trí Sông Lô (hay còn gọi là Khu du lịch Diamond Bay Resort & Spa Nha Trang), do Công ty TNHH TM-XD Hoàn Cầu làm chủ đầu tư.

Cụ thể, có 7 kết luận và báo cáo của Thanh tra Chính phủ gồm: kết luận số 1767/KL-TTNN ngày 26/11/2003; Kết luận số 489/BC-TTCP ngày 07/02/2006 về khiếu nại, tố cáo của các hộ dân thuộc dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô; Kết luận số 1817/BC-TTCP ngày 07/8/2009.

Báo cáo số 1742/TTCP-V4 ngày 23/9/2005; Báo cáo số 1793/BC-TTCP ngày 31/7/2014 về kết quả kiểm tra, rà soát đối với nội dung tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Hà; báo cáo số 1816/BC-TTCP ngày 07/8/2014 về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của Hội Luật gia Việt Nam trong việc thu hồi đất cho Công ty Hoàn Cầu thuê để thực hiện Dự án khu Du lịch giải trí Sông Lô.

Trong khi đó, Bộ Tài Nguyên - Môi trường cũng có 4 văn bản liên quan đến dự án Sông Lô gồm: văn bản số 2710/BTNMT-TTr ngày 15/6/2010; văn bản số 4637/BTNMT-TTr ngày 12/11/2010; văn bản số 4180/BTNMT-TTr ngày 09/11/2011; văn bản số 175/BTNMT-TTr ngày 31/01/2012 của Bộ Tài nguyên - Môi trường báo cáo kết quả kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9032/VPCP-KNTN ngày 20/12/2011 của Văn phòng Chính phủ.

song-lo-3-1659077366.jpeg

Đáng chú ý, mới đây, Thanh Tra Chính Phủ tiếp tục có báo cáo số 541/BC-TTCP. Tuy nhiên, người dân cho rằng, báo cáo này chủ yếu nhắc lại những kết luận trước đây. Đồng thời, người dân cho biết, thực tế có nhiều vấn đề sai phạm tại dự án Khu du lịch giải trí Sông Lô.

Cụ thể, theo đơn phản ánh người dân, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án Khu du lịch, giải trí Sông Lô không đúng quy định của pháp luật và qui định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999.

Bởi lẽ, dự án Khu du lịch và Giải Trí Nha Trang hoạt động nhưng không có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2001-2011. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Khánh Hòa tại văn bản số 1205/SKHĐT-DN ngày 19/4/2022, thì Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang (nay là Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000269 lần đầu ngày 08/7/2011. .. điều chỉnh lần thứ 5 ngày 30/6/2015. Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 6315256436 lần đầu ngày 24/5/2018 thực hiện Dự án “Khu du lịch và giải trí Nha Trang”.

Điều này cho thấy, thứ nhất: dự án Khu du lịch và Giải trí Sông Lô mà Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 252/QĐ-TTg chưa bao giờ được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Thứ hai, dự án “Khu du lịch và giải trí Nha Trang” hoạt động chui vì dự án “Khu du lịch và giải trí Nha Trang” được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 8/7/2011. Như vậy, từ năm 2001 đến ngày 8/7/2011, dự án này hoạt động chui mà không có giấy phép đầu tư theo qui định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 quy định về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư xây dựng.

Thứ ba, dự án “Khu du lịch và giải trí Nha Trang” được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang không phải là công ty được Thủ tướng phê duyệt, vì trên hồ sơ thì dự án “Khu du lịch và giải trí Nha Trang” được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho “Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang”, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 3702000569 vào ngày 31/12/2003, sau ngày có Quyết định số 252/QĐ-TTg (ngày 09/3/2001) của Thủ tướng gần 3 năm (nay mã số doanh nghiệp là 4200541620 ), mà không phải cấp cho Công ty TNHH thương mại – xây dựng Hoàn Cầu, mã số doanh nghiệp 0301448451  mà Thủ tướng phê duyệt trong Quyết định. Rõ ràng đó là 2 pháp nhân hoàn toàn khác nhau.

song-lo-2-1659077363.png

Thứ tư, theo các báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa và Báo cáo số 12/BC-ĐĐBĐ ngày 12/1/2005 của Bộ Tài nguyên – Môi trường và các kết luận Thanh tra Chính phủ, hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu thuê đất được lập theo Thông tư số 293/TT-TCĐC ngày 14/3/1997. Tại Điều 4 của Thông tư này qui định hồ sơ xin thuê đất phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án bồi thường thiệt hại… 

Nhưng đến năm 2011, dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu nên có thể khẳng định hồ sơ kèm theo tờ trình số 268/TT-UB ngày 6/2/2002 của UBND tỉnh Khánh Hòa trình Tổng cục địa chính và Thủ tướng Chính phủ về việc cho Công ty TNHH Hoàn Cầu thuê đất để thực hiện dự án Sông Lô không có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là vi phạm nghiêm trọng đối với việc lập hồ sơ trình Thủ tướng của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Thứ năm, Sở Kế hoạch - Đầu tư giải trình: “Dự án “Khu du lịch và giải trí Nha Trang” được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2011 và trong qui mô dự án có khu sân golf 18 lỗ. Như vậy, UBND tỉnh không cấp giấy chứng nhận đầu tư riêng cho dự án Sân golf 18 lỗ’. Điều này cho thấy đến nay, dự án sân golf 18 lỗ tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư như qui định tại quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch sân golf.

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ 3: Những bất cập trong khâu giải phóng mặt bằng tại dự án Sông Lô?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).