1. Điều đầu tiên bạn nên tìm hiểu là cơ cấu cổ đông lớn của doanh nghiệp. Các trang web tài chính như cafef.vn, dstock.vndirect.com.vn…. dễ dàng giúp bạn tra cứu thông tin về thành phần các cổ đông lớn. Các doanh nghiệp có sự tham gia của các Quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư, công ty chứng khoán lớn là dấu hiệu đầu tiên cho thấy doanh nghiệp có đáng tin hay không. Nguyên lý đơn giản là khi họ đầu tư số tiền lớn vào doanh nghiệp nào đó bản thân các Quỹ đầu tư, tổ chức, tự doanh cộng ty chứng khoán đã có sự thẩm định, đánh giá rất kỹ càng về doanh nghiệp và tiềm năng của nó. Bạn nên loại bỏ các quỹ ETF bởi nó không có giá trị tham khảo nào do họ đầu tư không theo cơ bản của doanh nghiệp.
2. Bạn nên tìm hiểu xem báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán bởi công ty kiểm toán nào. Các công ty làm ăn đứng đắn và uy tín sẽ không ngại ngần sử dụng các công ty kiểm toán lớn nước ngoài (Big4 kiểm toán tại VN như PWC, Earnst & Young, Deloitte, KPMG) hoặc với các doanh nghiệp nhà nước thì đã có kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, các công ty có những khuất tất về tài sản bên trong thường dùng các công ty kiểm toán nhỏ trong nước không có tên tuổi vốn luôn sẵn sàng giúp họ xào nấu báo cáo tài chính theo ý của chủ doanh nghiệp. Tiêu chuẩn kế toán của Việt nam hiện vẫn khá thấp và lỏng lẻo nên việc xào nấu báo cáo tài chính để lừa bịp nhà đầu tư diễn ra quá nhiều trong 15 năm qua.
3. Khi đầu tư vào doanh nghiệp bạn nên hiểu rằng bạn đang góp vốn vào doanh nghiệp và nhờ người chủ tịch doanh nghiệp kinh doanh hộ mình. Do đó, việc vô cùng cần thiết là bạn phải tìm hiểu rõ về người mà chúng ta giao tài sản cho họ. Nếu họ là người có tâm và tầm thì khoản đầu tư của bạn sẽ sinh sôi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu họ là người có hành vi trục lợi cá nhân, bất tài, thiếu đạo đức thì việc bạn mất tiền là rất dễ dàng. Theo chúng tôi thì không quá khó để đánh giá về chủ tịch doanh nhiệp. Bạn có thể tìm hiểu về cách họ hành xử với cổ đông, khách hàng, đối tác trong các năm trước đó. Những ông, bà chủ tịch doanh nghiệp thường xuyên hô hào về giá cổ phiếu của chính họ, ca ngợi về doanh nghiệp của họ để khích lệ cổ đông mua vào nhưng đem lại thua lỗ cho cổ đông trong nhiều năm là rất đáng ngờ. Trong khi đó, chủ tịch của doanh nghiệp thường xuyên mua vào rồi lại bán ra số lượng lớn cổ phiếu và họ thường xuyên “may mắn” mua đúng đáy và bán đúng đỉnh. Những ông chủ doanh nghiệp tốt đích thực thì chỉ có một chiều mua vào nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu.
4. Tìm hiểu về lịch sử trả cổ tức và tăng vốn của doanh nghiệp là điều nên làm. Chúng tôi đã thống kê lại và thấy rằng các doanh nghiệp tốt và xuất sắc thường trả cổ tức bằng tiền + cổ phiếu đều đặn cho cổ đông hàng năm. Khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông hàng năm nó cho thấy doanh nghiệp có tài sản và dòng tiền thật để chi trả. Trong khi đó, các doanh nghiệp “tốt ảo” thường báo cáo doanh thu và lợi nhuận hoành tráng nhưng không có tiền chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông thay vào đó là cổ tức nhiều năm bằng cổ phiếu. Những doanh nghiệp thường xuyên vẽ ra các kế hoạch hoàng tráng trong tương lai và kèm theo là lộ trình tăng vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là rất đáng ngại.
5. Các doanh nghiệp tốt thường dễ dàng để vay nợ tại các ngân hàng lớn bởi uy tín và tài sản của họ lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ảo thường không vay nợ được các ngân hàng do không có tài sản đảm bảo. Bạn chỉ cần tìm hiểu kỹ trong phần giải trình các khoản vay nợ trên báo cáo tài chinh kiểm toán để xem phần vay nợ của doanh nghiệp được cho vay bởi ngân hàng nào. Nếu các khoản vay nợ được thực hiện bởi các ngân hàng lớn thì mức độ tin tưởng sẽ cao hơn các ngân hàng nhỏ.
Những yếu tố chúng tôi đưa ra đây nhằm giúp nhà đầu tư tránh xa các vùng cạm bẫy hay chúng tôi con là “biển chết”. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì bất cứ doanh nghiệp nào bạn nghi ngờ thì hãy tạm tránh xa chúng cho tới khi nào mọi thứ đạt yêu cầu bạn đặt ra. Nếu bạn chỉ đầu tư hay đầu cơ trên vùng cổ phiếu tốt xác suất thành công của bạn chắc chắn sẽ cao hơn. Việc còn lại khi đã chọn được vùng cổ phiếu tốt là đánh giá triển vọng tương lai của doanh nghiệp để tìm thời điểm tham gia hợp lý mà thôi.
Kinh nghiệm của Fn chứng khoán - Phạm Thái