Kỳ vọng bức tranh sáng của hoạt động xuất khẩu năm 2022

02/01/2022 18:24

Việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang 'thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19' theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã có tác động tích cực tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Năm 2021, doanh thu xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD.

Ngay từ đầu năm, xuất khẩu đã bội thu đơn hàng, khi số đơn đặt hàng quý I tăng 83,2% so với cùng kỳ, kỳ vọng bức tranh xuất khẩu năm 2022 sẽ có nhiều điểm sáng.

Lọt top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song xuất nhập khẩu vẫn vượt kỷ lục đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19.

Dấu ấn về xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước cũng được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2021 của ngành công thương.

Kết quả tăng trưởng của xuất nhập khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Cùng với đó là sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và sự chủ động linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các DN xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trườn có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…

Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã thể hiện rõ nét hơn, giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu không những không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua, mà còn là cú hích rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Với những nỗ lực đã đạt được, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Bội thu đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm

Dự báo quý I/2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn so với quý IV/2021 khi có tới 81,7% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của DN tốt hơn và giữ ổn định (45,6% tốt hơn, 36,1% giữ ổn định), tỷ lệ DN dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 18,3%.

Về số lượng đơn đặt hàng mới quý IV/2021, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê sẽ cao hơn quý III/2021. Theo kết quả khảo sát quý IV/2021, có tới 76,6% số DN nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2021.

Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2022 so với quý IV/2021 tiếp tục tăng với 83,2% DN dự báo tăng và giữ nguyên (41,4% tăng, 41,8% giữ nguyên), 16,8% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Ngay trong những ngày cuối năm 2021, một DN lớn của Việt Nam là THACO đã xuất khẩu lô hàng 870 sơ mi rơ mooc đầu tiêu sang thị trường Mỹ theo thỏa thuận với Tập đoàn PITTS Enterprises, mở màn cho các lô hàng xuất khẩu tiếp theo trong năm 2022 và 2023.

Mặc dù hiện nay xuất khẩu đang tăng tốc nhưng các DN cho biết đang gặp không ít khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào đang tăng mạnh. Ngoài ra, nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn nguồn nguyên liệu từ nước ngoài cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, để thúc đẩy xuất khẩu, cơ quan này đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đồng thời làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Đại diện Bộ Công Thương cam kết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vọng bức tranh sáng của hoạt động xuất khẩu năm 2022" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).