Lãi suất cầm đồ gấp năm lần so với cho vay nặng lãi

13/03/2023 09:56

Sau bài 'Dịch vụ cầm đồ biến tướng' (ngày 9-3-2023), theo tìm hiểu, hiện nay có rất nhiều loại hình cho vay, kể cả cho vay qua web dưới giấy phép dịch vụ cầm đồ.

Người dân cầm đồ trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNGNgười dân cầm đồ trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Từ đây dịch vụ cầm đồ mà không... giữ đồ ra đời với lãi suất ẩn dưới các loại phí lên đến gần 100%, tức 5 lần chuẩn cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Lãi suất thực lên đến 100%/năm, vì sao?

Theo quy định tại khoản 1, điều 468 về "lãi suất", Bộ luật dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng "không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì "mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".

Vậy lãi cầm đồ hiện nay thế nào? Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số chuỗi cầm đồ, lãi trên hợp đồng chỉ 1,4 - 1,6%/tháng (16,8 - 19,2%/năm), nhưng lãi thực trả cao hơn nhiều vì gánh thêm hàng loạt phí như: phí thẩm định, phí quản lý tài sản cầm cố, phí bảo hiểm và cả phí ký gửi. 

Từ đó tính ra lãi suất thực dao động từ 5,65 - 7,5%/tháng, tức tương đương 67,8 - 90%/năm. Nếu cả khoản phí trông giữ tài sản thì mức lãi lên đến 100%/năm, gấp 5 lần ngưỡng quy định cho vay nặng lãi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong ngành tài chính cho hay có thể chia thị trường hiện nay thành bốn phân khúc: đầu tiên là những người có tài sản thế chấp và đủ điều kiện để vay ngân hàng; tiếp đến là những người không đủ điều kiện vay ngân hàng sẽ vay ở các công ty tài chính; sau nữa mới đến vay ở các tiệm cầm đồ hay vay qua web. Cuối cùng là vay qua các app. 

Như vậy, vay ở các phân khúc nhỏ dần thì kéo theo chi phí quản lý tăng lên và rủi ro nợ xấu cũng tăng cao. Do vậy lãi suất sẽ tỉ lệ thuận theo rủi ro, chưa kể nhiều loại phí như đã kể trên gọi chung là "chi phí vay" khiến lãi lên đến 70 - 100%/năm.

Đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, mua bán nợ...

Thời gian gần đây ai cũng nghe hoặc từng là nạn nhân của thủ đoạn đòi nợ là gọi điện thoại khủng bố tinh thần, đe dọa, yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện cho người thân, đồng nghiệp để gây sức ép đến khách hàng. 

Thậm chí, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó tạo lập, đối tượng đòi nợ thuê dùng các tài khoản ảo đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công an TP Hà Nội cho hay việc thị trường cho vay tiêu dùng bùng nổ, bên cạnh thuận lợi về phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, tình trạng nợ xấu tăng cao cũng là thách thức rất lớn đối với các chủ thể cho vay tiêu dùng (ngân hàng, công ty tài chính). 

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt dịch vụ đòi nợ thuê diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua. Các băng nhóm tội phạm hoạt động đòi nợ núp bóng doanh nghiệp (các công ty luật, công ty mua bán nợ...) sử dụng các thủ đoạn cực đoan, manh động đòi nợ thuê núp bóng dưới nhiều công ty khác nhau, cưỡng đoạt tài sản với quy mô lớn, tại nhiều tỉnh, thành phố với rất đông nghi phạm tham gia.

Nhóm tội phạm này hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ, phân công chức năng, nhiệm vụ cho từng bộ phận, hoạt động dưới vỏ bọc là các công ty kinh doanh. Hình thức đòi nợ này gây bức xúc, hoang mang rất lớn trong dư luận và người dân, tạo ra hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội.

Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đánh giá phương thức, thủ đoạn hoạt động, cấu trúc của các ổ nhóm tội phạm hoạt động dưới vỏ bọc là các công ty kinh doanh.

Thời gian qua, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng. Theo điều 6 Luật đầu tư năm 2020, dịch vụ này đã bị cấm. Các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 1-1-2021 phải thanh lý. Doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác.

Lãi vay qua app lên tới 2.000%/năm

Phát biểu tại hội thảo Tài chính tiêu dùng - kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuối năm 2022, trung tá Đỗ Minh Phương, phó trưởng phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.

Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Chẳng hạn ở vụ triệt phá đường dây cho vay qua app trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ cho vay các gói từ 2 - 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Điều tra ban đầu xác định có gần 160.000 người đã vay qua các app do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỉ đồng.

Một vụ khác là vào tháng 5-2022, Công an TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có cả đối tượng là người nước ngoài. Các đối tượng tạo lập nhiều app cho vay tiền với lãi suất từ 15 - 20%, nhưng thực tế, khách hàng vay từ các app này phải chịu lãi suất trên 2.000%/năm.

Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này nếu "con nợ" không thanh toán được khoản vay.

Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3 - 5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, "lãi mẹ đẻ lãi con" lên tới 1.570 - 2.190%/năm.

Do đã nắm được danh bạ người vay nên sau đó, các bộ phận đòi nợ sẽ khủng bố tinh thần bất kỳ ai bằng tin nhắn, hình ảnh cắt ghép...

Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 - 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào.

 

Lãi càng cao, càng dễ thành con nợ chây ì

Lãi cao quá thì nhiều người mất khả năng trả nợ. Từ đây dịch vụ mua bán nợ, đòi nợ thuê ra đời để đáp ứng nhu cầu thu hồi các khoản vay quá hạn. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thông thường ban đầu các cửa hàng cầm đồ và dịch vụ cho vay sẽ sử dụng hệ thống nhắc nợ tự động và lực lượng thu nợ của công ty.

Sau đó nếu người vay vẫn chây ì không trả thì sau khi khoản nợ quá hạn 60 - 90 ngày các công ty sẽ sử dụng lực lượng đòi nợ thuê. Sau 180 ngày mà không đòi được nợ thì phương án cuối cùng là mua bán nợ.

Lúc này công ty cầm chắc là mất gần hết số tiền cho vay vì thường tỉ lệ thu về khi bán nợ chỉ từ 3 - 6%. Nhưng hiện nay rất khó bán nợ xấu do dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay là bất hợp pháp và cơ quan chức năng đang đẩy mạnh triệt phá hoạt động này.

Bạn đang đọc bài viết "Lãi suất cầm đồ gấp năm lần so với cho vay nặng lãi" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).