Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ghi nhận từ thị trường phiên ngày 24/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm nhẹ 0,01% ở kỳ hạn qua đêm, trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1 tuần và tăng 0,01% ở các kỳ hạn 2 tuần, 1 tháng so với phiên cuối tuần trước.
Cụ thể, chốt ngày các mức lãi suất dừng ở mức qua đêm 1,25%; 1 tuần 1,33%; 2 tuần 1,42% và 1 tháng 1,54%.
Như vậy, từ đầu tháng 5 tới nay, lãi suất trên liên ngân hàng đã tăng 0,3 – 0,45% và đang đi ngang ở mặt bằng mới này.
Đáng chú ý, mặc dù đã thiết lập được mặt bằng mới nhưng lãi suất liên ngân hàng chỉ bằng một nửa lãi suất kênh hỗ trợ mà Ngân hàng Nhà nước chào thầu (2,5% kỳ hạn 7 ngày). Do đó, không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận kênh hỗ trợ nguồn, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố vẫn ở mức 0.
Theo Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa.
Tuy nhiên, tăng trưởng huy động 1 tháng gần đây đã có dấu hiệu tích cực, mức tăng trưởng đến 22/4/2021 là 2,32% so với đầu năm, đã cao hơn rất nhiều so với mức 0,54% tại 19/3/2021.
Được biết, nguồn cung VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7,8 tới.
“Bởi vậy chúng tôi chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.
Quay lại với phiên giao dịch hôm qua, giống lãi suất VND, lãi suất USD liên ngân hàng cũng đi ngang khi chỉ nhích tăng nhẹ 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Giao dịch tại qua đêm 0,15%; 1 tuần 0,19%; 2 tuần 0,25%; 1 tháng 0,34%.
Tại thị trường ngoại tệ, trong biên bản cuộc họp tháng 4 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố tuần vừa qua, FED thông báo có thể thảo luận thay đổi chính sách mua tài sản trong một số thời điểm tại các cuộc họp sắp tới.
Song, FED vẫn khẳng định việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, đánh giá lạm phát chỉ mang tính tạm thời và nền kinh tế Mỹ vẫn còn cách xa mục tiêu tăng trưởng và việc làm.
Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD có thời điểm chạm mức 89,7 thấp nhất trong gần 5 tháng qua và chốt tuần ở mức 90, hầu hết các đồng tiền tăng giá nhẹ so với USD.
Do xu hướng USD trên thế giới và lãi suất liên ngân hàng tại Việt Nam lại đang ở mặt bằng cao hơn trước nên VND tăng giá so với USD, tức tỷ giá USD/VND giảm. Chốt phiên 24/5, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng dừng ở mức 23.055 VND/USD, giảm nhẹ 4 VND so với phiên liền trước.
Tỷ giá thị trường tự do tiếp tục giảm 10 VND ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.230 – 23.270 VND/USD, tương ứng giá mua vào và bán ra. Như vậy, sau khi bật tăng mạnh và đạt đỉnh vào cuối tháng 3/2021, tỷ giá tự do đã giảm liên tục 3% trong gần 2 tháng qua, trở về vùng cuối năm 2020.
Hiện tại, cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá cân bằng, chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức cao, tỷ giá USD/VND sẽ giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, cán cân thương mại tháng 4 và nửa đầu tháng 5 đang thâm hụt, nếu xu hướng này kéo dài có thể tạo áp lực nhất định trong thời gian tới.