Cụ thể, trong quá trình tiếp nhận Đơn đề nghị cấp phép xây dựng công trình cầu kính treo 7D của công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng vào ngày 10/5/2022. Sở đã kiểm tra và đối chiếu thời gian tiến độ thực hiện dự án tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mã số dự án 1820862222 cấp thay đổi lần thứ nhất ngày 07/11/2018 tiến độ thực hiện là năm 2019, như vậy đến nay đã hết tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư thực hiện việc gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng và giãn tiến độ đầu tư làm cơ sở để Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo quy định.
Bị buộc tháo dỡ nhưng đến nay Cây cầu treo đáy kính 7D vẫn tiếp tục xin cấp phép?
Theo thông số kỹ thuật, cây cầu treo đáy kính 7D có chiều dài mặt cầu 221,5 m, rộng 2,09 m; khoảng cách giữa hai mặt ngoài mố neo dây cáp cầu dài 325 m. Chủ đầu tư đã xây dựng hai mố neo 10x15m, cao 10m; hai trụ đỡ có kích thước 8x8m, cao 20-28m; lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ, kích thước 8x20m, cao 4m.
Công trình này nằm trong thắng cảnh cấp quốc gia Thung lũng Tình yêu nối qua Khu du lịch Đồi mộng mơ.
Trước đó, tháng 1/2020 UBND TP Đà Lạt, ký quyết định xử phạt hành chính Công ty TTC Lâm Đồng số tiền 40 triệu đồng về hành vi xây dựng Cầu đáy kính ở Thung lũng tình yêu và Khu du lịch Đồi Mộng mơ khi chưa có giấy phép. Ngoài ra, UBND phường 8 và kiểm lâm địa bàn còn phát hiện trong quá trình xây dựng cầu đáy kính, chủ đầu tư cho đốn hạ trái phép 6 cây thông, làm thiệt hại 270m2 rừng phòng hộ.
Đồng thời yêu cầu đình chỉ thi công công trình, buộc chủ đầu tư thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong 60 ngày, lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2020 đã quá thời hạn theo biên bản vi phạm hành chính, nhưng chủ đầu tư vẫn không xuất trình được giấy phép xây dựng công trình nên UBND TP Đà Lạt đã ra thông báo về thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình vào ngày 13/3/2020.
Ngày 1/4/2020, UBND TP Đà Lạt cho phép Công ty TTC Lâm Đồng được gia hạn thời gian tháo dỡ công trình sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng vì xảy ra dịch COVID-19; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp này xin giấy phép xây dựng cầu đáy kính.
Đến ngày 11/8/2020, chủ đầu tư lại xin gia hạn thời gian tháo dỡ công trình để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xin giấy phép xây dựng cầu đáy kính.
Điều đáng nói, dù bị xử phạt, yêu cầu khắc phục hậu quả, thế nhưng công trình vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến ngày 10/5/2022 thì tiếp tục xin giấy phép xây dựng.
Như vậy, dù Sở Xây dựng Lâm Đồng đã ra văn bản từ chối cấp phép công trình này và hoàn toàn không đề cập gì đến những sai phạm Buộc phải tháo dỡ, đốn hạ thông và làm thiệt hại rừng phòng hộ trước đó, để rồi đến nay sai phạm vẫn ngang nhiên hiện hữu và chủ đầu tư ung dung xin cấp phép. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn "Liệu có chăng cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang dung túng cho sai phạm này? Hay "năng lực" không đủ để tiến hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế với các công trình sai phạm?".