Lãnh đạo Vietinbank Tây Hồ bị tố lừa bán xe, chiếm đoạt tài sản: Luật sư nói gì?

02/10/2021 08:18

Theo Luật sư Hải Lăng, Văn phòng Luật sư Hoàng Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), vụ việc cán bộ Vietinbank bị tố lừa bán xe đang thế chấp tại Ngân hàng ACB có nhiều bất thường, cần được làm sáng tỏ.

Lộ rõ hành vi lừa đảo

Luật sư Hải Lăng cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ và tình tiết vụ việc, có thể thấy, việc bà Nguyễn Hồng Hạnh tố cáo ông Đàm Duy Ngọc, Phó Trưởng phòng giao dịch Vietinbank Tây Hồ số 39 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoàn toàn có cơ sở.

Theo luật sư, hành vi của ông Ngọc lộ rõ dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư, hành vi của ông Ngọc lộ rõ dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy, ông Ngọc đã có hành vi đưa thông tin sai lệch cho bà Hạnh khi bán chiếc xe đang được thế chấp tại Ngân hàng Á Châu (ACB) nhưng lại nói là xe của mình. Thứ hai, ông Ngọc dùng thủ đoạn lừa dối cam kết sẽ giao giấy tờ xe trong vòng 10 ngày cho bà Hạnh, với lý do giấy tờ xe đang bị CSGT tạm giữ là không đúng sự thật. Bởi lẽ, giấy tờ xe đang được thế chấp tại ngân hàng, và Ngân hàng ACB mới là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe Ranger Rover Evoque.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa ông Đàm Duy Ngọc, bà Đàm Thị Hiệu (đứng tên đăng ký xe) và Ngân hàng ACB có nhiều điểm bất thường, cần phải làm rõ.

Luật sư Hải Lăng phân tích, ông Đàm Duy Ngọc và bà Đàm Thị Hiệu có thể là đồng phạm trong vụ việc bán chiếc xe thế chấp tại Ngân hàng ACB.

Theo một thông tin, từ năm 2019, bà Hiệu không thực hiện nghĩa vụ trả lãi tiền vay cho Ngân hàng ACB. Đặc biệt, đến nay, phía Ngân hàng ACB không thể liên lạc được với khách hàng của mình là bà Đàm Thị Hiệu.

Một diễn biến khác, vào ngày 23/5/2020, bà Đàm Thị Hiệu đã thực hiện việc ủy quyền toàn quyền quyết định, sử dụng chiếc xe này cho một người khác tên Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1973, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Tuy nhiên, luật sư Hải Lăng phân tích, giấy ủy quyền này chưa có hiệu lực. Bởi ủy quyền nói rõ chỉ có hiệu lực khi bên vay thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng ACB. Chính vì vậy, việc bà Thủy đứng ra nhận là chủ xe và giải quyết vụ việc hoàn toàn không có cơ sở, bà Thủy không liên quan tới chiếc xe này. Như vậy, việc bà Hiệu là chủ xe và ông Ngọc lừa bán xe cho bà Hạnh phải chăng có sự cấu kết, đồng phạm? Nghĩa là, ông Ngọc, bà Hiệu đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng ACB, quy định tại Điều 140 (Bộ luật Hình sự).

Theo điểm a khoản 1 điều 140 Bộ Luật Hình sự quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”

Phải chịu hình phạt quy định tại điểm a khoản 4 điều 140 Bộ Luật Hình sự quy định:

“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

  1. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên”

Ở đây bà Hiệu và ông Ngọc đã vay tiền của Ngân hàng bằng cách thế chấp chiếc xe sau đó dùng thủ đoạn gian dối bán cho bà Hạnh.

Ngân hàng ACB có thực sự bị "qua mặt"?

Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Ngọc, bà Hiệu có thể dễ dàng qua mặt Ngân hàng ACB để bán tài sản đang thế chấp trong suốt một thời gian dài. Có hay không việc nhân viên, lãnh đạo Ngân hàng ACB, cụ thể là PGD 74 Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) đứng sau tiếp tay?

Vụ lùm xùm xảy ra tại PGD Ngân hàng ACB , số 74 Trần Đại Nghĩa.
Vụ lùm xùm xảy ra tại PGD Ngân hàng ACB , số 74 Trần Đại Nghĩa.

Cũng theo Luật sư Hải Lăng, về mặt nguyên tắc của các tổ chức tín dụng, nếu như phát hiện khách hàng không thấy thanh toán tiền lãi, không liên lạc được thì phải khởi kiện để đòi lại khoản nợ cả gốc và lãi. Không hiểu vì lý do gì, Ngân hàng ACB gần đây mới thực hiện việc này?

Đặc biệt là bà Hạnh đã gửi thông tin tố cáo vụ việc tới Ngân hàng ACB. Từ đó đã xuất hiện dấu hiệu tội phạm lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng như đã nói trên thì ACB phải lập tức tố cáo khách hàng là bà Hiệu. Điều bất ngờ, Ngân hàng ACB đã không thực hiện tố cáo hình sự vụ việc trên lên cơ quan công an.

Hiện tại, tài sản của Ngân hàng ACB là chiếc xe Ranger Rover Evoque đang được bà Hạnh giữ. Trong khi bà Hiệu không trả lãi, thậm chí “biến mất” nhưng Ngân hàng ACB vẫn chưa có động thái vào cuộc quyết liệt giải quyết vụ việc.

Đánh giá về văn bản trả lời bà Hạnh của Ngân hàng Vietinbank (chi nhánh Đông Anh), Luật sư Hải Lăng cho rằng, nội dung phản hồi không sai. Bởi thực chất, đây là việc cá nhân của ông Ngọc và bà Hạnh. Về mặt nhân sự, cơ quan chỉ quản lý con người trong giờ hành chính. Các hành vi ngoài giờ hành chính khó có thể quản lý được.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khi xảy ra giao dịch mua bán xe, ông Ngọc vẫn là lãnh đạo phòng giao dịch Vietinbank Tây Hồ. Trong việc này, ông Ngọc đã phần nào lợi dụng uy tín của ngân hàng Vietinbank để gây lòng tin với bà Hạnh.

Trước đó, như Doanh nhân Việt Nam thông tin, vào ngày 5/3/2020, ông Ngọc đã bán và giao chiếc xe ô tô Ranger Rover dòng Evoque màu đỏ, đời 2014, định giá 1,07 tỷ đồng cho bà Hạnh. Ông Ngọc hẹn sau 10 ngày sẽ lấy giấy tờ xe từ CSGT để giao lại cho bà Hạnh. Sau thời hạn 10 ngày, rất nhiều lần bà Hạnh yêu cầu ông Ngọc giao giấy tờ xe đúng như cam kết nhưng ông Ngọc không giao.

Sau đó, qua tìm hiểu, bà Hạnh biết được, ông Ngọc không phải chủ đứng tên đăng ký xe mà là bà Đàm Thị Hiệu, sinh năm 1967, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đồng thời, chiếc Ranger Rover Evoque cũng đang được thế chấp tại Ngân hàng ACB (PGD 74 Trần Đại Nghĩa) từ năm 2017.

Trong quá trình xảy ra vụ việc, ông Ngọc đã cùng một số người đến nơi làm việc của bà Hạnh để đe dọa, đòi lại xe. Tới tháng 4/2021, bà Hạnh đã làm đơn cáo ông Ngọc tới Công an quận Nam Từ Liêm.

Để rộng đường dư luận, ngày 28/9, Phóng viên đã liên hệ làm việc với Phòng giao dịch 74 Trần Đại Nghĩa của Ngân hàng ACB. Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng Phòng giao dịch Trần Đại Nghĩa đề nghị PV liên hệ trực tiếp với một cán bộ của Ngân hàng ACB (tên Hương), người giải quyết thu hồi nợ xấu của ngân hàng.

Phóng viên tiếp tục gọi điện cho bà Nguyễn Thị Thu Hương theo gợi ý của ông Dương. Tuy nhiên, bà Hương xin từ chối cung cấp thông tin, đề nghị PV tiếp tục liên hệ bộ phận truyền thông của Hội sở ACB tại TP.HCM để nắm bắt vụ việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với Hội sở của Ngân hàng ACB và các bên liên quan để thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết "Lãnh đạo Vietinbank Tây Hồ bị tố lừa bán xe, chiếm đoạt tài sản: Luật sư nói gì?" tại chuyên mục Ngân Hàng. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).