Lập hàng nghìn nhóm Telegram để lừa đảo đầu tư trực tuyến

02/07/2022 21:54

Nhóm thanh niên gần 10 người đã bị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt giam vì trực tiếp tạo lập khoảng 100 nhóm 'Telegram Vip' và hơn 2.000 nhóm 'Telegram thường' để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lập hơn 2.000 nhóm Telegram

Ngày 2/7/2022, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đối với 7 thanh niên về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 290 Bộ luật Hình sự.

Các đối tượng bị bắt.

Các đối tượng bị cơ quan chức năng khởi tố, gồm Nguyễn Tam Lợi (SN 1994; trú tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), Nguyễn Ngọc Nhân (SN 2001; trú tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), Hồ Tạ Quang Huy (SN 2002; trú tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Nguyễn Thành Lộc (SN 2003; trú tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), Lê Ngọc Sơn (SN 1998; trú tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), Trần Nguyễn Công Thành (SN 1999; trú tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) và Bùi Trung Anh (SN 1995; trú tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).

Trước đó, ngày 16/6, bà L.T.K.P. (SN 1963, trú tại 283/1 Bình Giã, phường 8, TP.Vũng Tàu) đến Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tố giác nhóm đối tượng sử dụng nickname mạng xã hội Telegram như “Quốc Trường”, “Đỗ Thế Bảo”… thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 1,8 tỷ đồng thông qua việc kêu gọi góp vốn kinh doanh vào sàn nhị phân quốc tế Hollmann. Bà P. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Á Châu (ACB) số tài khoản 4630757 mang tên Hồ Tạ Quang Huy (SN 2002; trú tại D5.08 chung cư Jamila Khang Điền, phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức, TPHCM).

Đến ngày 29/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Phòng PA05 Công an tỉnh tiến hành triệu tập ghi lời khai đối với các đối tượng trên. Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận tham gia cùng đồng bọn sử dụng mạng máy tính để chiếm đoạt tiền của nhiều người từ đầu năm 2021 cho đến cuối tháng 6/2022.

Cụ thể, Nguyễn Hữu Đạt (chưa rõ nhân thân, lai lịch) thành lập sàn giao dịch nhị phân quốc tế ICM, Broker, In Broker, Hollmann rồi giao cho Nguyễn Tam Lợi quản lý nhóm làm việc gồm 8 đối tượng khác là Nguyễn Quang Tuấn, Huỳnh Quang Khải, Nguyễn Tiến Đạt, Hà Minh Sang, Bùi Văn Hùng, Nguyễn Đình Kỳ Sơn, Lê Cao Phúc (chưa rõ nhân thân, lai lịch) và Nguyễn Ngọc Nhân. Nhóm này sử dụng mạng máy tính hoạt động tại nhà số 9 đường số 3, khu dân cư Lakeview, phường An Phú, TP.Thủ Đức, TPHCM (sau này nhóm đối tượng chuyển đến số 9/13, đường số 63, phường Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức, TPHCM).

Nguyễn Hữu Đạt là người bỏ tiền mua thiết bị máy tính để bàn, bàn phím, con lăn chuột cung cấp cho đồng bọn sử dụng và chi trả tiền thuê nhà, lắp đặt các dịch vụ Internet. Lê Cao Phúc là người mua các sim số rác của mạng Mobifone, Vietnammoile để cung cấp cho đồng bọn sử dụng tạo lập các “nickname Telegram” để cung cấp các tài khoản cho trang mạng sàn quốc tế nhị phân như ICM, Broker, In Broker, Hollmann do Lợi quản lý. Huỳnh Quang Khải là người làm giả các hóa đơn giao dịch. Nguyễn Ngọc Nhân và Nguyễn Đình Kỳ Sơn có nhiệm vụ trả lời và tư vấn cho người bị hại.

Riêng Nguyễn Tam Lợi là người trực tiếp dùng các tài khoản do Phúc cung cấp để lên mạng trực tiếp dùng thay đổi các mã code trang mạng ICM, Broker, In Broker, Hollmann để chỉnh sửa hình ảnh theo ý định nhằm mục đích cho bị hại tin tưởng việc đầu tư là có thật. Ngoài ra, Lợi còn tham gia tuyển mộ Lê Ngọc Sơn, Hồ Tạ Quang Huy, Trần Nguyễn Công Thành, Nguyễn Thành Lộc và Bùi Trung Anh để tham gia tạo lập các “nickname Telegram” lên các hội nhóm tìm kiếm thông tin bị hại gửi về cho Lợi cùng đồng bọn để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư. Trong số này, Hồ Tạ Quang Huy, Trần Nguyễn Công Thành, Lê Ngọc Sơn còn tạo lập các tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ bị hại chuyển vào và chuyển một phần tiền lại cho bị hại để bị hại tin tưởng việc đầu tư là có thật.

Hàng ngàn sim điện thoại được các đối tượng dùng để lừa đảo.

Trong quá trình thực hiện, Nguyễn Tam Lợi, Lê Cao Phúc, Nguyễn Quang Tuấn, Huỳnh Quang Khải, Nguyễn Ngọc Nhân, Nguyễn Đình Kỳ Sơn cùng với Nguyễn Tiến Đạt, Bùi Văn Hùng và Hà Minh Sang đã trực tiếp tạo lập hàng trăm “nickname Telegram” để tạo lập khoảng 100 nhóm “Telegram Vip” và hơn 2.000 nhóm “Telegram thường” nhằm mục đích chiếm đoạt tiền các bị hại.

Dụ mồi

Để thực hiện hành vi, các đối tượng trong nhóm của Lợi sử dụng phần mềm “Macro Jibit” chạy tự động quảng cáo các tin nhắn, hóa đơn về việc mời chào tham gia đầu tư các sàn nhị phân trên và giới thiệu cách thức chơi, đưa ra thông tin giả về việc người chơi đầu tư thắng trước đó, hóa đơn giả chuyển tiền cho khách thắng.

Trong đó, quảng cáo cách thức chơi là người chơi góp vốn cùng “Ban chuyên gia”, vốn của “Ban chuyên gia” là 60%, vốn nhà đầu tư (khách hàng) là 40%. “Ban chuyên gia” sẽ thanh khoản sau mỗi phiên giao dịch vào trực tiếp tài khoản các nhà đầu tư, vốn đầu tư gói thường tối thiểu là 3.600USD (tương đương 90 triệu đồng) sẽ được lợi nhuận cố định 2 phiên mỗi ngày, mỗi phiên là 1,6 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng, vốn đầu tư gói VIP tối thiểu 20.000USD (tương đương 500 triệu đồng) sẽ được lợi nhuận cố định 6 phiên mỗi ngày, mỗi phiên 1.800USD (tương đương 45 triệu đồng), cam đoan sau 2 ngày sẽ hoàn vốn đầu tư.

Để bị hại tin tưởng đầu tư chỉ có lời, đội ngũ “Ban chuyên gia” đưa ra quy tắc thua 3 lệnh liên tiếp “Ban chuyên gia” sẽ ngưng giao dịch và bảo toàn vốn cho các nhà đầu tư. “Ban chuyên gia” sẽ đầu tư trên sàn giao dịch bằng cách dự đoán sự lên xuống của sàn giao dịch, khi dự đoán sàn lên mà thực tế sàn lên thì sẽ thắng và ngược lại.

Khi bị hại đồng ý tham gia đầu tư, các đối tượng sẽ đề nghị bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do Nguyễn Tam Lợi, Lê Ngọc Sơn, Hồ Tạ Quang Huy, Trần Nguyễn Công Thành để được đưa vào nhóm “những người đầu tư”.

Căn phòng nơi các đối tượng tạo ra hàng ngàn nhóm Telegram để lừa đảo.

Thực chất, trong nhóm “những người đầu tư” chỉ có 1-2 khách hàng, còn lại là nickname ảo của các đối tượng trong nhóm của Lợi. Sau đó, Lợi đăng nhập vào các sàn giao dịch dùng thủ thuật chỉnh sửa, ban đầu gửi tiền lợi nhuận như đã cam đoan cho khách hàng trong khoảng 1-5 ngày.

Khi “con mồi” dính bẫy, tiếp tục gửi thêm tiền vào các tài khoản ngân hàng của nhóm Lợi thì “Ban chuyên gia” sẽ thông báo đã đặt cược tiền đầu tư của khách thua hết tiền, kèm theo hình ảnh bảng kết quả đặt cược các phiên trong ngày với mục đích đã chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Với số tiền chiếm đoạt được, Thành, Sơn, Huy đi rút rồi đưa về giao cho Lợi để Lợi giao lại cho Nguyễn Hữu Đạt, sau đó Đạt sẽ chi trả lương cho cho những người trong nhóm của Lợi.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang mở rộng vụ án, tiếp tục điều tra làm rõ.

Bạn đang đọc bài viết "Lập hàng nghìn nhóm Telegram để lừa đảo đầu tư trực tuyến" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).