Liệu có rủi ro với trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của Hải Phát Invest?

09/05/2022 10:06

Thời điểm cuối năm 2021 Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán: HPX) có 3.405,8 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.

Liệu có rủi ro với trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của Hải Phát Invest?
Các khoản vay của Hải Phát được đảm bảo bằng cổ phiếu của Công ty của các cá nhân.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2022 của Hải Phát không thuyết minh về tài sản đảm bảo của các khoản vay trái phiếu này nhưng trong báo cáo tài chính năm 2021 cho biết, tại thời điểm cuối năm 2021, Hải Phát có 551 tỷ vay ngắn hạn bằng trái phiếu do VietinbankSc, Công ty chứng khoán Navibank làm đơn vị tư vấn phát hành.

Tài sản thế chấp cho các lô trái phiếu này gồm: (1) Cổ phiếu của công ty của một cá nhân và một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất tại xã Tây Sơn (Tiền Hải, Thái Bình) của CÁ NHÂN.(2) Toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất một phần dự án thuộc khu dân cư đô thị Km3, Km4 phường Hải Yên (Móng Cái, Quảng Ninh) của NHÓM CÔNG TY. (3) Toàn bộ cổ phiếu của một công ty con.

4.5_bctc.jpg
Cuối năm 2021, Hải Phát có 551 tỷ vay ngắn hạn bằng trái phiếu với tài sản thế chấp là cổ phiếu.

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/3/2022, ngoài các khoản vay với ngân hàng thương mại thì Hải Phát đang có 2.288 tỷ vay ngắn hạn và 2.165 tỷ đồng vay dài hạn bằng trái phiếu, đa dạng các kỳ hạn và do nhiều công ty chứng khoán làm đơn vị tư vấn và phát hành. Trong đó, Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSc), Công ty chứng khoán Navibank và Công ty CP chứng khoán MB là các đại lý tư vấn và phát hành trái phiếu lớn nhất của Hải Phát.

Còn tại thời điểm cuối năm 2021 thì HPX có 3.405,8 tỷ đồng trái phiếu dài hạn (bao gồm 2.168 tỷ đồng trái phiếu dài hạn và 1.237 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả) mà tài sản đảm bảo phổ biến là “Cổ phiếu của Công ty của các cá nhân”, tức cổ phiếu HPX do các cá nhân sở hữu, cùng quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác tại một số dự án của Hải Phát.

Thông thường, việc định giá tài sản đảm bảo là cổ phiếu được dựa trên mức giá giao dịch trung bình 30 ngày của cổ phiếu với tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo được đưa ra bởi tổ chức cho vay.

Nếu giá cổ phiếu giảm khiến giá trị tài sản đảm bảo giảm về “mức báo động”, phía doanh nghiệp cần nộp thêm tài sản đảm bảo hoặc đối mặt với việc giải chấp cổ phiếu do tổ chức cho vay tiến hành.

Tại thời điểm phát hành một số lô trái phiếu (đặc biệt là giai đoạn tháng 8 – 11/2021) giá cổ phiếu HPX của Hải Phát dao động trong khoảng 35.000-38.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh).

Đáng chú ý, trong 5 tháng qua, cổ phiếu HPX đã liên tục giảm giá và mất hơn 30% so với đỉnh cao nhất và đang giao dịch ở mức 27.000 đồng/cổ phiếu.

Đây không chỉ là “nỗi đau” hiện hữu của các cổ đông Hải Phát, quan trọng hơn, nó đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho cổ phiếu HPX với nguy cơ mang tên giải chấp các khoản nợ trái phiếu.

Lâu nay, việc bị bán giải chấp luôn là nỗi ám ảnh với các nhà đầu tư cá nhân thì việc giải chấp khoản tài sản đảm bảo của những khoản vay trái phiếu còn là cơn "ác mộng" bởi giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đều là những con số rất lớn.

Bạn đang đọc bài viết "Liệu có rủi ro với trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của Hải Phát Invest?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).