Lỗ lớn, JVCorp đổi tên có đổi vận

12/01/2022 11:10

Đại hội đồng CĐTN, niên độ tài chính của CTCP Y tế Việt Nhật thông qua việc đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển y tế Việt Nhật, thay đổi niên độ kế toán...

Nhân viên của JVC lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt tại bệnh viện Dã chiến hồi sức tích cực Covid-19 Yên Sở - Hà Nội (Nguồn: JVC).

Định hướng trở thành công ty đầu tư chuyên ngành y tế

Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư và Phát triển y tế Việt Nhật (JVCorp) cho biết, lý do đổi tên nhằm phát triển thương hiệu, tạo sự kết nối với đối tác, khách hàng và phù hợp hơn với các lĩnh vực mà Công ty tập trung trong tương lai. Hiện các thủ tục thay đổi tên và người đại diện theo pháp luật với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã hoàn tất.

Cùng với những thay đổi này, Ban lãnh đạo Công ty cũng cho biết, sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động của JVCorp theo định hướng trở thành công ty đầu tư chuyên ngành y tế với hoạt động thương mại - kỹ thuật là ngành hỗ trợ quan trọng và đặt ra mục tiêu chiến lược là xây dựng 30 phòng khám và 30 trung tâm chẩn đoán hình ảnh tại các tỉnh, thành phố trong 5 năm tới.

Với số lỗ lũy kế khủng gần tương đương vốn điều lệ, nguồn tiền mặt đến ngày 30/09/2021 chỉ hơn 5 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn 424 triệu đồng, dù còn 56 tỷ đồng trái phiếu và 101,1 tỷ đồng tham gia các hợp đồng hợp tác đầu tư, nhưng nhìn chung quy mô vốn của JVCorp vẫn còn khá thấp. Năng lực mở rộng đầu tư, kinh doanh theo đó sẽ phụ thuộc đáng kể vào tiến triển của kế hoạch phát hành riêng lẻ vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, Ban lãnh đạo Công ty cũng trình phương án chào bán riêng lẻ để tăng vốn thêm 200 tỷ đồng nhằm trả nợ ngân hàng (50 tỷ đồng), bổ sung vốn lưu động (100 tỷ đồng) và góp 50 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư công nghệ y tế Việt Nhật - một doanh nghiệp vừa thành lập tháng 10/2021, do JVCorp giữ 99% vốn điều lệ.

Đây là phương án tăng vốn được đánh giá phù hợp với Công ty trong bối cảnh lỗ lũy kế khủng khiến việc phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, chào bán ra công chúng không khả thi. Việc huy động nguồn tài trợ vốn từ phía ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn.

Kết quả kinh doanh chưa khả quan

Kết thúc nửa đầu niên độ tài chính 2021/2022 (1/4/2021 - 30/9/2021), báo cáo tài chính của JVCorp cho biết, doanh thu thuần hợp nhất trong kỳ đạt 205,9 tỷ đồng, tăng 4,47% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 44%, chỉ đạt 24,69 tỷ đồng. Mặc dù các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý đều được tiết giảm, trong đó chi phí bán hàng giảm đến 35,1%, nhưng sự sụt giảm mạnh của lợi nhuận gộp vẫn khiến lợi nhuận sau thuế lỗ 2,56 tỷ đồng.

Số lỗ của JVCorp chủ yếu phát sinh trong quý II của niên độ tài chính (từ 1/6/2021 - 30/9/2021). Theo giải trình biến động kết quả kinh doanh của Công ty, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh với các đợt giãn cách xã hội kéo dài tại Hà Nội và TP.HCM khiến doanh thu giảm, trong khi giá vốn tăng do rà soát lại thời gian khấu hao của một số tài sản cố định tại liên doanh, chi phí lãi vay tăng, chi phí quản lý cũng tăng do trong năm trước Công ty có khoản hoàn nhập dự phòng phải thu.

Với kết quả này, lỗ lũy kế đến ngày 30/9/2021 của JVCorp đã tăng lên 1.094,65 tỷ đồng, chiếm 97,3% vốn điều lệ. Tổng vốn chủ sở hữu giảm xuống 451,9 tỷ đồng.

JVCorp từng là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế, là nhà phân phối cho nhiều hãng hàng đầu như Hitachi, Fujifilm… với những gói thầu lớn cung cấp thiết bị y tế, vật tư tiêu hao. Tuy vậy, vị thế này đã bị ảnh hưởng đáng kể sau biến cố liên quan đến Chủ tịch công ty vào năm 2015 và Công ty lỗ hơn 1.335 tỷ đồng trong niên độ tài chính này bởi các khoản trích lập dự phòng.

Trong những niên độ tài chính tiếp theo, dù hoạt động kinh doanh có lãi trở lại, nhưng lợi nhuận mỏng, lần lượt chỉ 10,5 tỷ đồng, 11,4 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng. Đến niên độ 2020/2021, Công ty lại lỗ 76,7 tỷ đồng do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các bệnh viện tạm ngừng mua máy móc thiết bị mới, tập trung chống dịch, lượt khám chữa bệnh của người dân cũng giảm.

Bước sang niên độ tài chính 2021/2022, tình hình kinh doanh của JVCorp được đánh giá còn nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty khá thận trọng khi trình kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính này chỉ ở mức 440 tỷ đồng doanh thu và 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy vậy, với kết quả sau đầu niên độ, khả năng về đích kế hoạch đề ra vẫn còn khá nhiều thách thức.

Với doanh thu còn khá thấp so với thời hoàng kim, ngành dịch vụ thiết bị y tế có biên lợi nhuận mỏng. Để tăng lợi nhuận thì quy mô và sức tăng trưởng doanh thu sẽ đóng vai trò quan trọng. Điều này lại phụ thuộc vào mối quan hệ của doanh nghiệp với các bệnh viện và cơ sở y tế, năng lực tài chính để tham gia các gói đấu thầu, trong khi cả 2 điều này JVCorp đều bị đánh giá đã mất nhiều lợi thế so với giai đoạn trước. Doanh thu giảm còn ảnh hưởng đến phần tiền hỗ trợ, thưởng doanh số từ nhà cung cấp (ghi nhận vào thu nhập khác) vốn đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc lợi nhuận của Công ty.

Trong niên độ 2018/2019 và 2019/2020, phần thu nhập khác từ tiền hỗ trợ, hàng biếu tặng và thưởng từ nhà cung cấp lần lượt lên đến 28,5 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng giữ cho lợi nhuận của Công ty ở mức dương. Trong niên độ 2020/2021, khi doanh thu sụt giảm, khoản thu nhập khác này cũng giảm đến 3/4 và góp phần khiến bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp này khó khăn hơn.

Bạn đang đọc bài viết "Lỗ lớn, JVCorp đổi tên có đổi vận" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).