Lo nghịch cảnh thiếu xăng dầu lặp lại trong năm mới

21/12/2022 08:43

Chiết khấu ở mức thấp, trong khi thị trường xăng dầu năm 2023 tiếp tục dự báo khó lường, dị biệt do tác động của căng thẳng địa chính trị, dịch bệnh… Đây sẽ là những yếu tố gây áp lực lên công tác điều hành xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán cũng như cả năm 2023, nhất là trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc nhập khẩu dầu thô và tỷ lệ 25% với xăng dầu thành phẩm.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 12/12, giá xăng trong nước đã giảm về mức thấp nhất từ đầu năm đến nay: mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5RON92 là 20.340 đồng/lít và xăng RON95 là 21.200 đồng/lít. Đây cũng là lần giảm giá thứ 3 liên tiếp.

Chiết khấu giảm xuống 200 đồng/lít

Giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây giúp thị trường ổn định hơn, không còn tình trạng cây xăng treo biển hết hàng hàng loạt, người tiêu dùng dễ dàng mua nhiên liệu. Tuy vậy, những rủi ro trong việc giữ ổn định thị trường này vẫn tiềm ẩn.

xang-dau-1671586866.png
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa hoạt động cung ứng xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và cả năm 2023. 

Thông tin tới VnBusiness, TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho hay, chiết khấu cho kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang giảm mạnh. Cụ thể, đầu mối phân phối chỉ chiết khấu với dầu là 200 đồng/lít, xăng 150 đồng/lít, chỉ dấu báo hiệu nguy cơ bất ổn.

Ông Giang Chấn Tây lo ngại thời gian tới sẽ thiếu hàng vì nhà phân phối đang bán lỗ nên hạ thấp hoa hồng. Nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm nữa thì hoa hồng có thể bằng 0 đồng hoặc âm thì khả năng xảy ra đóng cửa của đại lý bán lẻ xăng dầu là rất cao.

“Kinh doanh xăng dầu đang lỗ, đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu cửa hàng bán 1.000 lít mỗi ngày thì phải thuê 2 nhân công với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng, tính ra mất tiền thuê nhân công gần 500.000 đồng/ngày, đó là chưa kể các chi phí về thuê địa điểm, điện nước… Như vậy, mức hoa hồng trên rõ ràng không đủ bù đắp chi phí”, ông Tây cho hay.

Trước thực tế đó, lãnh đạo Bội Ngọc kiến nghị cơ quan quản lý phải nghiên cứu quy định chiết khấu cố định cho nhà bán lẻ xăng dầu, đây cũng là yếu tố giúp đảm bảo vận hành của thị trường trong thời gian tới.

Không chỉ là vấn đề chiết khấu, trong một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu thông tin các nước thuộc Liên minh châu Âu áp giá trần xăng dầu của Nga. Nếu Nga không chịu và quyết định chỉ bán cho nước nào công nhận mức giá mà họ đưa ra, đồng thời giảm sản lượng thì diễn biến giá cả, nguồn cung trên thị trường xăng dầu thế giới sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó Việt Nam bị tác động.

Thứ trưởng Công Thương cho hay, Việt Nam đang phụ thuộc 20-25% xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, không phải đối tượng ưu tiên để các nhà cung cấp lớn trên thế giới lựa chọn để bán. “Trong khi đó với nguyên liệu dầu thô, 100% đầu vào Lọc dầu Nghi Sơn là nhập khẩu, 50 - 60% đầu vào của Dung Quất cũng nhập khẩu. Việc phụ thuộc nhập khẩu ảnh nguyên liệu ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cần có biện pháp khắc phục”, ông Hải lưu ý.

Chủ động với tình huống Lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động với công suất là 115%, đảm bảo duy trì công suất này tới hết quý I/2023. Tuy nhiên, nhà máy vẫn lo ngại nhất là nguồn cung nguyên liệu đầu vào, mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ công ty đảm bảo nguồn dầu thô trong nước, vì hiện nay rất khó tiếp cận.

Cùng với đó, năm 2023, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng tiến hành bảo dưỡng với thời gian khá dài trong khoảng 2 tháng, sản lượng so với mọi năm giảm từ 1 - 1,2 triệu tấn/năm.

Quan sát thị trường xăng dầu ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đánh giá năm 2022, thị trường xăng dầu trong nước thực sự có bất ổn nhất định, tác động trực tiếp không thuận tới nền kinh tế. Những ngày qua, thị trường xăng dầu trở lại bình thường, cung - cầu đảm bảo, giá có xu hướng giảm vào cuối năm giúp lưu thông hàng hóa thông suốt, góp phần kiểm soát lạm phát.

Ông Thỏa cho hay, trong những thời điểm thị trường diễn biến bất ổn, khá nhiều thương nhân xuất nhập khẩu, đầu mối kiến nghị chỉ cần Nhà nước điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh để không bị lỗ thì hoạt động buôn bán trở lại bình thường ngay. Điều này cho thấy nút thắt chính là cơ chế điều hành và việc bám sát thực tiễn điều hành.

“Cơ chế điều hành, bình ổn giá được thực hiện theo Nghị định 95 vẫn còn bất cập, trong khi việc bám sát thực tiễn để điều hành đảm bảo nguyên tắc tính đủ, tính đúng chưa chủ động, còn thời điểm thiếu linh hoạt, nhất là sự phối hợp giữa các bộ ngành”, ông Thỏa đánh giá.

Sang năm 2023, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nhận định thị trường xăng dầu Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn nhất định khi phần lớn dầu thô phụ thuộc nhập khẩu. Thị trường thế giới luôn tiềm ẩn bất ổn, rủi ro khó lường do xung đột địa chính trị, dịch bệnh.

Còn trong nước, việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 2 tháng, sản lượng sụt giảm là rất khó khăn. Bài học kinh nghiệm hồi tháng 3/2021 cho thấy, việc một trong hai nhà máy lọc dầu gặp sự cố ngừng sản xuất, dẫn tới nguồn cung căng thẳng, nhập khẩu không kịp bù đắp… sẽ tác động tiêu cực tới thị trường và gây đứt nguồn cung trong nước.

Đây là những cảnh báo để cơ quan chức năng cần có kịch bản ứng phó sát với thực tế điều hành xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cũng như cả năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Lo nghịch cảnh thiếu xăng dầu lặp lại trong năm mới" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).