Lỗ nghìn tỷ, cổ phiếu “kỳ lân công nghệ” VNG vẫn tăng dựng đứng

13/02/2023 11:53

Bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vẫn tăng trần nhiều phiên liên tiếp, trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất lịch sử chứng khoán Việt.

bat-chap-ket-qua-kinh-doanh-lo-nghin-ty-co-phieu-vnz-cua-cong-ty-cp-vng-van-tang-mot-cach-bat-ngo-1676263194.jpg

Bất chấp kết quả kinh doanh lỗ nghìn tỷ, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vẫn tăng một cách bất ngờ (Nguồn ảnh: Website VNG)

Cổ phiếu đắt đỏ nhất lịch sử chứng khoán Việt

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 10/2/2023), cổ phiếu VNZ tăng trần 116.500 đồng lên 893.400 đồng/cổ phiếu và đây cũng là phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp, với dư mua lớn và không có người bán. Nếu tính từ giá chào sàn 240.000 đồng/cổ phiếu, ước tính sau 8 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu VNZ đã tăng hơn 272%, trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất trong lịch sử gần 23 năm giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Loạt cổ đông lớn của VNG nhân 3, nhân 4 tài sản, VNG cũng lọt nhóm DN tỷ đô trên sàn.

Giải trình về đà tăng liên tục này, Công ty CP VNG cho rằng, giá cổ phiếu tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến của giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua. Thêm nữa, hiện tại, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Nhờ mạch tăng nóng, vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 25.600 tỷ đồng, vượt ngưỡng 1 tỷ đô (1,09 tỷ USD), gấp gần 4 lần thời điểm chào sàn. Theo đà leo giá của giá cổ phiếu VNZ, tài sản của các cổ đông cũng tăng vọt hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, tài sản của ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập VNG hiện đã tăng gấp 3,7 lần, lọt nhóm nghìn tỷ trên sàn chứng khoán. Với việc sở hữu 3,53 triệu cổ phiếu (tương ứng 12,3% cổ phần đang lưu hành), tài sản cổ phiếu của ông Minh đạt trên 3.100 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với thời điểm trước ngày 1/2. Tài sản của VNG Limited, cổ đông ngoại duy nhất của VNG (sở hữu 61,12% cổ phần) cũng tăng vọt, lên hơn 15.600 tỷ đồng.

Kinh doanh lỗ nghìn tỷ

Trái ngược với sự đi lên giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của “kỳ lân công nghệ" đầu tiên của Việt Nam đang không mấy khả quan. Năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG.

Công ty CP VNG (trước đây là Vinagame) thành lập từ năm 2004, là công ty Internet và công nghệ chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo... tại Việt Nam.

Ngày 5/1/2023, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG giao dịch phiên đầu tiên trên thị trường UPCoM ở mức tham chiếu 240.000 đồng. Theo bản công bố thông tin, tại ngày 28/11/2022, VNG có 3 cổ đông lớn là VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ, tương đương 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành; Công ty CP Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ, chiếm 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành và ông Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ, tương đương 12,3% số cổ phiếu đang lưu hành.

VNG hiện cũng rót tiền đầu tư tài chính dài hạn vào nhiều cái tên lớn như Công ty  Zizon (đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay) và Công ty CP Tiki.

Bạn đang đọc bài viết "Lỗ nghìn tỷ, cổ phiếu “kỳ lân công nghệ” VNG vẫn tăng dựng đứng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).