Loạt dự án đầu tư công ở Khánh Hòa: Giao vốn lớn, nhưng giải ngân đạt… 0%

04/08/2022 11:01

Hàng loạt dự án đầu tư công ở Khánh Hòa được giao kế hoạch vốn lớn trong năm 2022, nhưng hơn nửa năm đã trôi qua mà vẫn không giải ngân được đồng nào hoặc giải ngân rất nhỏ giọt.

Điểm mặt loạt dự án “tắc” giải ngân

Tính đến ngày 1/7/2022, tại Khánh Hòa, hàng loạt dự án đầu tư công được giao kế hoạch vốn lớn, nhưng vẫn chưa giải ngân được đồng nào.

Có thể kể đến các dự án: Quốc 1A đi cầu Bến Miễu (đoạn Quốc lộ đi Tiểu đoàn 2-E23); Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Khánh Hòa; Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ Khánh Hòa; Trạm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; bồi thường hỗ trợ để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang; cầu qua sông Kim Bồng; sửa chữa và nâng cao an toàn đập; kè chắn sóng bờ biển, bảo vệ khu dân cư Phú Hội 2.

Ở Cam Ranh và huyện Cam Lâm, Dự án Hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên tuyến đường mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua TP. Cam Ranh và Dự án Kè và đường ven đầm Thủy Triều (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Yersin) cũng trong tình trạng giải ngân được… 0%.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án khác đang giải ngân “nhỏ giọt”, tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn (19,5%); Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang (7,4%); Dự án Cơ sở hạ tầng khu tái định cư Ngọc Hiệp (11,7%); Dự án Cơ sở hạ tầng khu trường học, đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ong (0,8%); Dự án Đường Tỉnh lộ 3 (17,4%).

Trong danh sách các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp còn có 2 dự án y tế, gồm Bệnh viện Ung bướu (18,9%) và Bệnh viện Đa khoa Nha Trang (7,1%); các dự án về nông nghiệp như Cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn - giai đoạn 1 (22,4%); Dự án Tiêu thoát lũ các xã Diên Sơn - Diên Điền - Diên Phú (29,1%); Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp (17,2%);

Ngoài ra, còn có Dự án Khu tái định cư tại xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang (mới giải ngân được 6,7%).

Vướng mắc ở đâu?

UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, theo Nghị quyết số 09-NQ-TW ngày 18/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ; Công văn số 236/TTg-CP ngày 11/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm, hiện nay, một số dự án trên địa bàn huyện này (như Dự án Cải tạo, nâng cấp kênh chính Nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu; Dự án Kè và đường ven đầm Thủy Triều, đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Yersin…) đang phải ngừng thi công để rà soát lại quy hoạch, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều dự án không nằm trên địa bàn huyện Cam Lâm, không bị ảnh hưởng của công tác rà soát quy hoạch cũng không giải ngân được đồng nào.

Về nguyên nhân chủ quan, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn trong năm 2022, nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 còn thấp là do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư còn chậm.

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền cấp huyện, các chủ đầu tư quán triệt và thực hiện tốt công tác tăng cường quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, không yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí kế hoạch vốn.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo Tổ Tư vấn, Tổ Giúp việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung xử lý và hoàn thành công tác bồi thường giải tỏa và thủ tục đầu tư của các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đã giao, xác định nhiệm vụ cụ thể các cá nhân, tập thể và các sở, ngành có liên quan đến việc không hoàn thành giải ngân kế hoạch năm 2022 theo Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 5/4/2022 của UBND tỉnh về ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo các chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ dự án; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu…

Bạn đang đọc bài viết "Loạt dự án đầu tư công ở Khánh Hòa: Giao vốn lớn, nhưng giải ngân đạt… 0%" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).