Lợi nhuận đại gia bất động sản Hà Đông giảm một nửa

30/01/2023 09:57

Năm 2022 với nhiều biến động của thị trường bất động sản và tài chính đã khiến lợi nhuận ròng của Hải Phát Invest giảm hơn một nửa so với năm liền trước.

du-an-roman-plaza-do-hai-phat-invest-lam-chu-dau-tu-1675045749.jpg
Dự án Roman Plaza (khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) do Hải Phát Invest làm chủ đầu tư. Ảnh: HPX.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - HPX) đã ghi nhận gần 327 tỷ đồng doanh thu thuần. Dù doanh thu từ mảng bất động sản tăng 41%, mang về 288 tỷ đồng, việc doanh thu hoạt động khác giảm sâu từ 186 tỷ kỳ trước xuống 38 tỷ đồng kỳ này đã khiến tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp bất động sản này giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao, đặc biệt trong mảng bất động sản đã khiến công ty này lỗ gộp 34 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lãi dương hơn 4 tỷ.

Phải nhờ nguồn thu gần 145 tỷ đồng từ hoạt động tài chính và việc tiết giảm hầu hết chi phí phát sinh từ bán hàng cho tới quản lý doanh nghiệp, Hải Phát Invest mới thoát lỗ trong quý vừa qua và thu về hơn 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm trước đó, mức lợi nhuận ròng này của Hải Phát Invest đã giảm 7 lần.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả kém tích cực kể trên, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết số lượng sản phẩm dự án bất động sản bán ra trong quý vừa qua thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2022, Hải Phát Invest ghi nhận 1.635 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2021. Tuy vậy, khoản lãi sau thuế lại thu hẹp một nửa, còn 140 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, doanh nghiệp bất động sản này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tối thiểu đạt 2.700 tỷ đồng và lãi sau thuế tối thiểu 450 tỷ. Như vậy, kết thúc năm, doanh nghiệp này chỉ hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận.

loi-nhuan-cua-hai-phat-qua-cac-nam-1675045843.png
 

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Hải Phát Invest đạt gần 9.300 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp hiện có 130 tỷ đồng gửi ngân hàng, giảm 5 lần so với hồi đầu năm. Khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cũng thu hẹp từ 330 tỷ xuống 15 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản phải thu dài hạn, cụ thể là các khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư của doanh nghiệp lại tăng mạnh lên gần 1.346 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm.

Các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn đều tăng mạnh, lần lượt là 23% lên gần 2.300 tỷ đồng và 139% lên 1.345 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, Hải Phát Invest đang nhận gần 1.100 tỷ đồng tiền người mua trả trước, trong khi số liệu đầu năm chỉ hơn 27 tỷ đồng. Đây là khoản thanh toán theo tiến độ từ khách hàng ký hợp đồng mua bất động sản tại Dự án Cao Bằng, Dự án Bắc Giang và các dự án khác.

Ở chiều nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp địa ốc này vào khoảng 5.640 tỷ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tổng nợ vay (vay ngân hàng và công ty chứng khoán) của công ty đã giảm 29% trong năm, xuống 3.317 tỷ đồng.

Trên thị trường bất động sản Hà Nội, Hải Phát Invest được xem là ông lớn tại khu vực Hà Đông với hàng loạt dự án lớn, nhỏ khu vực này như dự án Chung cư HPC Landmark 105 Tố Hữu Hà Đông; Dự án biệt thự liền kề Phú Lương Hà Đông; Khu shophouse Vạn Phúc Hà Đông; Chung cư V3 Prime The Vesta Hà Đông; Dự án Roman Plaza...

Hải Phát là tay chơi bất động sản mới nổi tại khu vực phía Bắc. Công ty có xuất phát điểm từ mảng xây dựng và vận tải với vốn điều lệ ban đầu chỉ 8 tỷ nhưng đến nay đã mở rộng quy mô vốn lên trên 3.000 tỷ đồng, cùng việc chào đón các quỹ đầu tư lớn tham gia.

Đây cũng là doanh nghiệp đã thực hiện nhiều đợt huy động trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần các công ty con, cổ phiếu HPX của các cá nhân, các tài sản phát sinh từ các dự án bất động sản tại Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang...

 

Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận đại gia bất động sản Hà Đông giảm một nửa" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).