Mới đây, Tesla đã gửi thông báo tới Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA), trong đó nêu rõ những mẫu xe thuộc diện thu hồi bao gồm gồm Model 3 sản xuất năm 2017 - 2022, Model Y sản xuất năm 2020 - 2021, Model S sản xuất năm 2021 - 2022 và các xe Model X. Hãng sẽ sử dụng kết nối không dây (OTA) để cập nhật phần mềm liên quan tới chức năng chống kẹt cửa sổ tự động của các mẫu xe này.
Tesla nhấn mạnh đến nay hãng không nhận được các yêu cầu bảo hành, thông báo về lỗi trên thực tế hay các vụ tai nạn, các trường hợp bị thương liên quan tới lỗi hệ thống cửa sổ.
Hãng cho biết kể từ ngày 13/9, các xe đang sản xuất và chờ bàn giao cho khách đều đã được cập nhật phần mềm đối với hệ thống nâng hạ kính trên xe, đáp ứng các quy chuẩn an toàn.
Theo NHTSA, trong trường hợp chức năng chống kẹt cửa sổ xe không hoạt động chính xác, cửa sổ xe đang đóng sẽ không dừng lại và tự động đảo chiều khi gặp vật cản, thay vào đó sẽ tạo ra lực mạnh có thể gây thương tích cho người sử dụng. Các xe gặp lỗi như vậy không đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định về hệ thống nâng hạ kính trên xe.
Trước đó không lâu, một nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật cho phép người khác có quyền truy cập vào xe Tesla để mở khóa và đánh cắp nó chỉ trong vài giây.
Theo đó, lỗ hổng bảo mật này được phát hiện bởi Josep Pi Rodriguez – Chuyên gia bảo mật của IOActive (Mỹ). Ông cho biết vấn đề bắt nguồn từ công nghệ chìa khóa NFC (kết nối trường gần) của Tesla. Để có thể mở khoá xe, đòi hỏi phải có 2 người cùng nhau hợp lực và thực hiện cùng một lúc.
Josep Pi Rodriguez cho biết những tên trộm có thể dễ dàng thực hiện hành vi nếu đứng gần trong phạm vi khoảng 5 cm so với thẻ NFC hoặc smartphone có chìa khoá ảo. Cụ thể, kẻ gian thứ 1 sẽ sử dụng một loạt thiết bị gọi là Proxmark RDV4.0 để tiếp cận với đầu đọc thẻ NFC được lắp ở trụ cửa bên người lái của xe. Chiếc xe sẽ phản hồi bằng cách truyền một “câu hỏi kiểm tra” mà chỉ có chiếc thẻ NFC của chủ phương tiện mới có thể trả lời.
Tuy nhiên, thiết bị Proxmark sẽ truyền “câu hỏi kiểm tra” đó qua Wi-Fi hoặc Bluetooth tới điện thoại di động mà kẻ gian thứ 2 cầm. Tất nhiên lúc này kẻ gian thứ 2 phải đứng rất gần chủ sỡ hữu xe để có thể lấy cắp “câu trả lời” từ thẻ NFC khóa xe. Phản hồi của thẻ khóa sau đó sẽ được truyền trở lại thiết bị Proxmark và truyền đến đầu đọc NFC trên xe rồi mở khóa xe một cách bình thường.
Công cuộc “hack” qua Wifi và Bluetooth sẽ có những giới hạn về khoảng cách giữa hai kẻ trộm. Tuy nhiên, Josep Pi Rodriguez cho biết chỉ cần sử dụng Raspberry Pi là vấn đề này được giải quyết.
Mặc dù có thể sử dụng chìa khoá ảo hoặc remote để mở xe, tuy nhiên Tesla vẫn khuyến khích các khách hàng của mình luôn mang theo thẻ NFC như 1 phương án dự phòng trong trường hợp làm mất remote hay điện thoại, hay đơn giản là điện thoại hết pin. Do đó hầu hết các chủ xe Tesla đều sử dụng những chiếc thẻ NFC để mở xe của họ và khởi động hệ thống điện, động cơ xe.
Để ngăn chặn các vụ trộm tinh vi thế này, Josep Pi Rodriguez khuyên các chủ sở hữu ô tô kích hoạt chức năng nhập mã PIN để khởi động xe. Tuy nhiên, thực tế có rất ít chủ sở hữu kích hoạt tính năng này vì nó khá phiền. Và kể cả khi lớp bảo mật này được bật lên, những tên trộm vẫn có thể mở khóa cửa xe vào bên trong để lấy đi những món đồ giá trị.