Lý do nhiều người test Covid-19 âm tính dù xuất hiện triệu chứng

27/02/2022 18:56

Cách thực hiện test sai, tải lượng virus thấp có thể là nguyên nhân khiến xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính dù người bệnh đã xuất hiện triệu chứng.

Mỗi ngày, thế giới ghi nhận hàng triệu người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt biến chủng Omicron đang "thống trị" tại nhiều nước trên thế giới do có tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp xuất hiện các triệu chứng và tiếp xúc gần người mắc Covid-19 đã cho kết quả âm tính ở cả test nhanh và rRT-PCR.

Tình huống này khá phức tạp và cũng có thể gây nguy hiểm đến người khác vì khó có thể nói những người này đã tránh được virus hay kết quả xét nghiệm sai. Các nhà khoa học nhận định một số lý do có thể khiến điều này xảy ra.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả âm tính trong trường hợp mắc Covid-19 là cách xét nghiệm sai. Xét nghiệm rRT-PCR được coi là tiêu chuẩn vàng để phát hiện sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong cơ thể có thể hiển thị thông tin không chính xác do một số yếu tố.

Ngay cả khi các báo cáo chụp CT hoặc xét nghiệm máu của bệnh nhân xác nhận sự hiện diện của virus, xét nghiệm rRT-PCR có thể không xác minh điều tương tự.

Cách lấy mẫu, bảo quản mẫu xét nghiệm sai cách cũng có thể ảnh hưởng kết quả test Covid-19. Ảnh: Gavi.

Theo India Express, điều này phụ thuộc vào việc bệnh nhân có được lấy mẫu đúng cách hay không. "rRT-PCR chỉ có độ nhạy 60%. Kết quả phụ thuộc hoàn toàn vào việc mọi người đã được gạc đúng cách hay chưa, liệu khu vực được bao gồm trong quá trình lấy gạc có giống với nơi có virus hay không", tiến sĩ Praveen Gupta, Giám đốc và Trưởng khoa Thần kinh, Viện nghiên cứu Fortis Memorial, Gurugram, nhận định.

Ngoài ra, việc bảo quản mẫu trong quá trình vận chuyển không được thực hiện đúng cách cũng ảnh hưởng kết quả test. Theo bác sĩ Vijay Dutta, khoa Nội, Bệnh viện ESIC (Ấn Độ), nếu đúng quy trình, việc lấy mẫu được thực hiện chính xác, quá trình vận chuyển mẫu ở nhiệt độ 2-5 độ C, sau khi lấy mẫu, rRT-PCR sẽ hiện dương tính nếu người bệnh nhiễm SARS-CoV-2.

Theo Forbes, tiến sĩ Gerald W. Fischer, chuyên gia quốc tế về chăm sóc và nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và nhi khoa, giải thích nếu virus đang trong giai đoạn nhân lên sớm, các xét nghiệm kháng nguyên âm tính giả có thể xảy ra.

Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố cho thấy xét nghiệm kháng nguyên cung cấp tỷ lệ âm tính giả 20% ở những người có triệu chứng và 59% tỷ lệ âm tính giả ở những người không có triệu chứng.

Bên cạnh đó, tải lượng virus thấp là yếu tố khác có thể cho thấy kết quả xét nghiệm âm tính mặc dù người đó có tất cả triệu chứng của nhiễm SARS-CoV-2. Trong những trường hợp như vậy, với các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào phân tích toàn diện xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm và kết quả chụp X-quang.

Tiến sĩ Rajeev Jayadevan, nhà nghiên cứu lâm sàng cố vấn cho lực lượng đặc nhiệm Covid-19, Kerala (Ấn Độ), cho biết với các trường hợp Omicron, số lượng virus tối đa xuất hiện sau ngày thứ ba kể từ khi xuất hiện triệu chứng, cho đến ngày thứ sáu. Sau đó, lượng virus sẽ sụt giảm. "Vì vậy, vào ngày đầu tiên của các triệu chứng, xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính", tiến sĩ Jayadevan chia sẻ.

Trong khi đó, tiến sĩ Janice Johnston, bác sĩ gia đình ở Glendale, Arizona (Mỹ), cho biết nhiều bệnh thông thường khác như cúm, cảm lạnh có các triệu chứng tương tự Covid-19 bao gồm đau nhức cơ thể, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, nghẹt mũi.

"Tôi cho rằng bạn nên xét nghiệm cúm nếu có các triệu chứng nghi Covid-19 nhưng kết quả âm tính", bà Johnston khuyến cáo.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Fischer cũng nhận định các triệu chứng giống nhau có thể do nhiều loại virus và vi khuẩn gây ra, bao gồm cúm, RSV, adenovirus và strep nhóm A. Nếu một người bị bệnh do một trong những mầm bệnh phổ biến này gây ra, kết quả xét nghiệm Covid-19 chắc chắn cho âm tính.

Các triệu chứng nghi Covid-19 như sốt, nhức đầu, nghẹt mũi cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác như cúm, cảm lạnh... Ảnh: Metro.

Kết quả âm tính giả nguy hiểm như thế nào?

Nhận được một kết quả âm tính giả có thể khiến tính mạng của bạn cũng như những người khác gặp nguy hiểm. Không được điều trị dựa trên kết quả của báo cáo có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và phải nhập viện.

Một người bệnh cũng có thể truyền virus cho những người khác xung quanh. Vào thời điểm mà thế giới vẫn ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt sự xuất hiện của biến chủng Omicron dễ lây lan hơn, những chẩn đoán sai lầm có thể làm phức tạp thêm vấn đề.

Nếu bạn đã tiếp xúc với người được chẩn đoán mắc Covid-19 hoặc có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào, hãy tự cách ly ngay lập tức. Nếu kết quả âm tính, dù test nhanh hay rRT-PCR, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, có thể làm các xét nghiệm khác để xác nhận sự hiện diện của virus trong cơ thể. Những trường hợp này nên cách ly, tiếp tục xét nghiệm nhanh tại nhà hoặc rRT-PCR vào 2 ngày sau đó.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết bạn có thể chấm dứt cách ly sau 5 ngày nếu bạn không bị sốt trong 24 giờ và các triệu chứng khác đang thuyên giảm. Sau đó, bạn cần theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo, cùng với các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm đeo khẩu trang, tránh đi du lịch và tránh xa những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bạn không cần phải có kết quả âm tính để kết thúc việc cách ly, nhưng nếu bạn muốn làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh, CDC đề nghị xét nghiệm vào ngày cuối cùng khi bạn đã hết sốt trong 24 giờ (đang không uống thuốc hạ sốt). Nếu vẫn dương tính, bạn nên cách ly trong 10 ngày đầy đủ.

Bạn đang đọc bài viết "Lý do nhiều người test Covid-19 âm tính dù xuất hiện triệu chứng" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).