Khu vực Eurozone bên bờ vực lạm phát
Theo Bloomberg, tháng 10 là tháng thứ tư liên tiếp khu vực Eurozone chứng kiến hoạt động trong lĩnh vực tư nhân suy giảm mạnh do khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người tiêu dùng thận trọng hơn, làm ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu.
Chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI) trong tháng 10 giảm xuống mức 47,1 từ mức 48,1 của tháng 9 và 48,9 của tháng 8. Đây đồng thời là mức thấp nhất trong 23 tháng qua, báo hiệu sự co lại trong hoạt động kinh tế.
Điều này làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái ở toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu trong bối cảnh giá cả tăng vọt.
Theo báo cáo của S&P Global, các con số của khu vực đồng euro cho thấy nền kinh tế khu vực sẽ giảm 0,2% trong quý IV, nhưng suy thoái có thể tăng nhanh vào cuối năm nay.
Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế của S&P Global trụ sở tại New York, cảnh báo rằng tốc độ chậm lại của các hoạt động kinh tế và sự suy giảm nhu cầu trong tháng 10 đã cho thấy tăng trưởng giảm sút của các nền kinh tế trong khu vực đồng euro.
"Suy thoái của nền kinh tế khu vực này dường như không thể tránh khỏi," ông Williamson nhận định.
Theo đó, sự sụt giảm nhanh chóng của chỉ số Flash PMI trong tháng 10 tương ứng với sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý khoảng 0,2% trong quý IV/2022.
Hoạt động kinh tế khu vực Eurozone suy giảm trong tháng thứ tư liên tiếp
Nhu cầu đang giảm với tốc độ nhanh hơn, trong khi các doanh nghiệp đang rất lo lắng về lượng hàng tồn kho cao và doanh số bán hàng khiêm tốn hơn kế hoạch khi mùa Đông đến gần.
Nguy cơ thu hẹp hoạt động kinh tế sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa trong những tháng tới và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực.
Trên thực tế, ECV đang chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất mới, thêm 75 điểm cơ bản, bất chấp nguy cơ suy thoái, để ứng phó với tình trạng lạm phát cao chưa từng có.
Trong khi các áp lực về nguồn cung đã giảm rõ rệt, giá năng lượng liên tục tăng cao và giá trị của đồng euro sụt giảm đã làm tăng áp lực lạm phát, đẩy cao chi phí kinh doanh và làm giảm sản lượng của các doanh nghiệp.
Đồng thời, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình hình kinh tế bất ổn nói chung cũng đè nặng lên sức mua của người tiêu dùng, khiến lĩnh vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong số các nước thuộc Eurozone, Đức một lần nữa ghi nhận kết quả tồi tệ trong tháng 10 tính ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, với chỉ số Flash PMI giảm xuống mức 44,1, tức là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 nếu không tính giai đoạn đại dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia tại S&P Global, sự suy giảm này làm rõ nét hơn các dấu hiệu về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro.