MB Bank có “chèn ép” doanh nghiệp?

05/08/2022 09:05

Công ty TNHH Quan Minh cho rằng, doanh nghiệp đã thực hiện trả hết nợ quá hạn và trả trước hạn, song Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) lại triển khai các biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty để thu hồi nợ.

Xử lý thu hồi nợ theo cách… khác thường

Theo phản ánh của Công ty Quan Minh, thời điểm tháng 2/2021, giá bất động sản của Dự án Ocean Park Vân Đồn trên cùng trục đường chính 58m khu vực Hòn Cặp Xe có giá trị chuyển nhượng khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2 (tùy vị trí) thì bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Phó phòng Tái cấu trúc - Trung tâm Quản trị nợ thuộc MB Bank) xuất hiện với hai tư cách: Vừa là người đại diện của Ngân hàng đàm phán để thu nợ khoản vay của Công ty TNHH Quan Minh vừa là người đàm phán giá các lô đất “vàng” của dự án Ocean Park Vân Đồn.

 
 Dự án Ocean Park Vân Đồn (ảnh lớn) và Thông báo “về việc bán tài sản thế chấp phần vốn góp để thu hồi khoản nợ của Công ty TNHH Quan Minh tại MB” do MBAMC phát hành ngày 17/5.

Bằng nhiều hình thức liên lạc, bà Quỳnh Anh đề xuất giảm giá nhiều lô đất tại dự án này. Các lô đất trong danh mục trên được bà Quỳnh Anh “ngã giá” thấp hơn rất nhiều so với giá đất đang giao dịch thực tế trên thị trường và so với “Danh mục sản phẩm Khu đô thị Ocean Park” do Chủ đầu tư (là Công ty TNHH Quan Minh) gửi đến thư điện tử của bà Quỳnh Anh.

Tuy nhiên, vì bà Quỳnh Anh đã đề xuất mức giá quá thấp các lô bất động sản của Dự án Ocean Park Vân Đồn và không đúng với quy định thu hồi nợ của tổ chức tín dụng. Do đó, lãnh đạo Công ty TNHH Quan Minh đã từ chối với đề xuất trên. 

Không nhận được sự ưu đãi của bên nợ, MB Bank liên tục phát hành văn bản thu giữ tài sản. MB Bank mà trực tiếp là bà Quỳnh Anh đã thừa ủy quyền Tổng Giám đốc MB Bank ký hàng loạt văn bản yêu cầu Công ty Quan Minh di dời ra khỏi tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, trong khi Công ty Quan Minh đã trả nợ gốc và lãi vay trước hạn đối với tất cả khoản vay tại MB Bank.

Ngày 31/3/2021, MB Bank có Văn bản số 137/CV-HS gửi Công ty Quan Minh đề nghị thu giữ tài sản bảo đảm và Văn bản số 1374/CV-HS gửi Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Quảng Ninh, Văn bản số 1375/CV-HS gửi Công an xã Quan Lạn, Công an xã Minh Châu đề nghị hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Quan Minh và Công ty TNHH TM Tân Lập. Đặc biệt, ngày 2/4/2021, MB Bank tiếp tục có Văn bản số 1425/CV-HS gửi Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Quảng Ninh đề nghị phong tỏa và hỗ trợ sang tên vốn góp của các thành viên góp vốn vào Công ty Quan Minh…

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh bày tỏ sự thất vọng trước cách làm việc của MB Bank. Đặc biệt là khi MB Bank cấp tập gửi các văn bản đến các cơ quan Nhà nước với lý do “thu hồi tài sản”; “thay đổi cổ đông doanh nghiệp”; “Công ty Quan Minh không trả nợ”... Gây tổn hại vô cùng lớn tới hình ảnh thương hiệu của Công ty Quan Minh, gây hoang mang cho khách hàng cũng như các đối tác ở dự án Ocean Park Vân Đồn.

Rao bán tài sản bảo đảm 

Được biết, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Quan Minh và ngày 20/4/2022, đã ra văn bản yêu cầu MB Bank không thực hiện việc bán đấu giá tài sản bảo đảm khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng như phản tố của bị đơn.

Thế nhưng, ngày 17/5/2022, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (MBAMC) thuộc MB Bank đã phát hành tới Công ty Quan Minh và các chủ tài sản, cho biết “về việc bán tài sản thế chấp phần vốn góp để thu hồi khoản nợ của Công ty TNHH Quan Minh (chủ đầu tư Dự án khu đô thị Ocean Park Vân Đồn) tại MB”. 

Văn bản có nội dung: “Để tiếp tục xử lý tài sản để thu nợ, MBAMC tiến hành chào bán tài sản, tìm kiếm đối tác quan tâm và tiến hành thỏa thuận trực tiếp cho đối tác quan tâm (nếu có). Qua quá trình chào bán, hiện có 2 đối tác quan tâm, chào mua mức giá cao nhất là 45 tỉ đồng. MBAMC sẽ đàm phán và hoàn thiện thủ tục bán theo phê duyệt của Ngân hàng (MB Bank)”.

Cũng theo MBAMC tại Thông báo nói trên, lý do MB Bank tự đứng ra bán tài sản thế chấp của Công ty Quan Minh là do “MB/MBAMC đã tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là phần vốn góp 3 lần, tuy nhiên không có đối tác nào mua”.

 
 MB Bank gửi nhiều văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị thu giữ tài sản bảo đảm mà Công ty Quan Minh thế chấp.

Được biết, tài sản bảo đảm là toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu Công ty TNHH Quan Minh thế chấp tại MB Bank, gồm: toàn bộ vốn góp của ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch Công ty Quan Minh, cùng vợ là bà Nguyễn Thùy Dung (chiếm 90% vốn điều lệ Công ty), giá trị tài sản tại thời điểm thế chấp là 225 tỉ đồng; 100% vốn góp của ông Hoàng Bá Dũng tại Công ty Quan Minh (tương đương 10% vốn Công ty) tương đương giá trị 25 tỉ đồng.

Việc bán đấu giá các tài sản thế chấp được tiến hành thông qua Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Minh. Theo thông báo của Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Minh, giá khởi điểm đúng bằng giá tài sản tại thời điểm thế chấp cho MB Bank lần lượt là 225 tỉ đồng với 90% vốn góp của ông Hoàng Văn Cường và vợ là bà Nguyễn Thùy Dung tại Công ty Quan Minh và 25 tỉ đồng (10%) vốn góp của ông Hoàng Bá Dũng tại Công ty bất động sản này.

Trước động thái của MB Bank, ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty Quan Minh cho biết: Việc MB/MBAMC tự đứng ra bán tài sản thế chấp phần vốn góp của Công ty Quan Minh là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của Công ty. 

Bên cạnh đó, MB/MBAMC chào bán phần vốn góp của Công ty Quan Minh mà không thẩm định giá tài sản trước khi bán đấu giá tài sản có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến giá trị tài sản của Công ty. “Việc MB tự cho mình quyền xác định giá khởi điểm tài sản thế chấp với giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá thị trường là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Cường khẳng định.

Có dấu hiệu làm trái quy định?

Trong văn bản phản hồi Phóng viên về vấn đề Công ty Quan Minh cho rằng MB Bank tổ chức đấu giá tài sản thế chấp trong khi Công ty này không còn nợ quá hạn, MB Bank cho rằng: Nhóm nợ của Công ty Quan Minh hiện tại là nhóm nợ xấu, thuộc trường hợp xử lý nợ theo quy định tại Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp. Ngay khi phát sinh nợ xấu và trước khi thực hiện xử lý tài sản bảo đảm, MB đều gửi các thông báo cho khách hàng. MB thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo đúng thỏa thuận quy định tại Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp đã ký với khách hàng. Việc xử lý tài sản bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật còn gửi MB Bank một số câu hỏi liên quan khác như: Tài sản đang có tranh chấp, Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án nhưng MBAMC đã tổ chức chào bán tài sản đang có tranh chấp. MBAMC chịu trách nhiệm như thế nào về việc thực hiện trái quy định pháp luật và trách nhiệm với bên mua tài sản? 

MBAMC đưa ra thông tin, đã tổ chức đấu giá 3 lần, không có đối tác mua. Trên thực tế là việc đấu giá do Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Minh tổ chức. Trong khi đó, MBAMC không có chức năng đấu giá. Việc đưa ra thông tin sai sự thật và hoạt động của MBAMC vi phạm pháp luật đã bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện và thanh tra, xử lý chưa? 

Được biết, tài sản bảo đảm là cổ phần, phần vốn góp thì không bắt buộc phải đưa ra đấu giá. Như vậy, hoạt động của MBAMC có trái quy định của Hợp đồng ủy quyền của MB Bank cho MBAMC? 

Về những vấn đề trên, MB Bank chỉ phản hồi chung chung: “Theo Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng không được phép cung cấp thông tin/các thông tin thuộc bí mật kinh doanh của khách hàng. Ngân hàng sẵn sàng cung cấp khi có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền theo Luật Các tổ chức tín dụng”. MB Bank cũng cho biết, trong thời gian tiếp theo, thực hiện theo đúng các quy định tại Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và các quy định pháp luật hiện hành, MB Bank tiếp tục áp dụng các giải pháp xử lý nợ nhằm thu hồi dứt điểm khoản nợ của Công ty Quan Minh tại MB Bank.

Nhận định về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP HCM nêu quan điểm: Với những thông tin phản ánh trong vụ việc trên cho thấy, MB Bank đang có những dấu hiệu vi phạm khi thực hiện không đúng trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Việc chưa thu giữ tài sản nhưng chuyển giao cho Công ty đấu giá là trái quy định, số nợ chưa được xác định, tài sản chưa đươc bàn giao. Mặt khác, còn có những hành vi đưa thông tin không đúng thẩm quyền, nội dung, cơ quan giải quyết đang làm giảm giá trị tài sản mà chính MB Bank mong muốn xử lý. Trong vụ việc này, khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu MB Bank chấm dứt ngay hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, tuyên bố các giao dịch đấu giá và hợp đồng công ty đấu giá là vô hiệu, yêu cầu các bên liên quan là MB Bank và công ty đấu giá bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra (nếu có). 

Trúc Quyên - Khánh An
 
 

Bạn đang đọc bài viết "MB Bank có “chèn ép” doanh nghiệp?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).