Một năm biến động mạnh nhân sự cao cấp ngân hàng

28/12/2022 11:05

Thị trường tài chính đang khá "nóng" với các thông tin liên quan đến biến động nhân sự cấp cao ngân hàng khi năm cũ sắp qua đi. Có nhiều lý do khiến các ngân hàng phải "thay tướng" như: thay đổi nhiệm kỳ; người tiền nhiệm nghỉ vì nguyên nhân sức khoẻ; thay đổi lớn về chủ sở hữu; chiến lược kinh doanh; mô hình chuyển đổi số…

Nguồn nhân sự cao cấp luôn được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu trong các ngân hàng. Năm 2022, nhân sự lãnh đạo cấp cao tại các nhà băng lớn/nhỏ có sự chuyển động mạnh mẽ nhằm phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thị hiếu thị trường. Và làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao được nhận định là có thể chưa dừng lại.

Nhân sự cao cấp biến động mạnh

Những ngày cuối năm cũng là lúc nhiều ngân hàng dồn dập công bố thay đổi lãnh đạo cao cấp. Điển hình như: LienVietPostBank; Nam A Bank, Agribank, NCB, Vietcombank…

Ngoài ra, loạt ngân hàng cũng lên kế hoạch thay đổi nhân sự cao cấp trong những tháng đầu năm 2023. Điển hình, Vietcombank thông báo chuẩn bị bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) tại đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào 30/1/2023.

ong-tran-ngo-phuc-vu-ben-phai-tan-chu-tich-hoi-dong-quan-tri-namabank-1672115968.jpg
Ông Trần Ngô Phúc Vũ (bên phải) - tân Chủ tịch Hội đồng quản trị NamABank

Ngày 30/12/2022 cũng là ngày SHB chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.

Đáng chú, ngày 16/1/2023 tới, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT và một số nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ.

Hay như ACB mới đây đã thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng là 30/12/2022 để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.

Có thế thấy, loạt thay đổi năm 2022 vẫn gắn với nhiều gương mặt cũ, tức đi lên từ chính nội bộ ngân hàng. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đức Thụy, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank lên nắm quyền điều hành Chủ tịch HĐQT. Tương tự, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Phó Chủ tịch thường trực lên làm Chủ tịch HĐQT NamABank…

Bên cạnh đó, một số ngân hàng lại chọn nhân sự cấp cao nước ngoài với mong muốn mang đến các sáng kiến, tận dụng khả năng digital banking từ họ nhằm giúp đẩy mạnh sự chuyển hóa nguồn lực doanh nghiệp tạo ra quy trình làm việc hiệu quả chuyên nghiệp hơn, đưa ngân hàng phát triển lên tầm cao mới. Đơn cử như trường hợp ông Kim Byoungho, người từng là Chủ tịch và Tổng giám đốc, vị trí lãnh đạo cấp cao nhất tại Hana Bank - trở thành Chủ tịch HĐQT HDBank thể hiện tầm nhìn của cổ đông đưa các chuẩn mực quốc tế tốt nhất vào công tác quản trị của HDBank trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng phải "thay tướng" như: do thay đổi nhiệm kỳ; do người tiền nhiệm nghỉ vì nguyên nhân sức khoẻ; do thay đổi lớn về chủ sở hữu; do chiến lược kinh doanh; do mô hình chuyển đổi số…

Nhân sự cấp cao không chỉ biến động ở khối cổ phần quy mô nhỏ và vừa, mà ngay ở những nhà băng lớn hiện cũng đang “khuyết” nhiều vị trí.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Do đó, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn hoặc là ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp.

Thay đổi nhân sự gắn với mục tiêu tái cấu trúc, số hoá

Nhìn vào loạt thay đổi nhân sự cấp cao tại nhiều ngân hàng thương mại vừa qua cũng như tới đây đều có một điểm là: thay đổi để tốt hơn, ngoại trừ thay đổi một cách thụ động.

Một chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, nếu nhân viên là nhân tố quan trọng nhất trong việc thúc đẩy thành công kinh doanh thì lãnh đạo mỗi ngân hàng phải đảm bảo rằng tất cả nhân viên trong hệ thống là đúng người, đúng thời điểm và đúng vị trí.

Dù là nhân sự cấp cao hay nhân viên cơ sở thì việc lựa chọn các nhân sự này đều phải được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng. Bởi, không phải nhân lực giỏi về chuyên môn nào đó sẽ tự làm việc có kết quả cao mà còn cần sự phù hợp, thống nhất chung với cả tập thể, điều này rất cần các lãnh đạo ngân hàng theo sát và có phương án cho phù hợp.

Theo đại diện NCB, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc theo định hướng chiến lược, ngân hàng đang kiện toàn bộ máy Ban điều hành với sự tham gia của các nhân sự giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu rộng. Việc củng cố đội ngũ lãnh đạo cấp cao hứa hẹn sẽ giúp NCB sớm có những bước tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Còn Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết, ở những quốc gia mà thị trường tài chính phát triển, nhân sự trong thành phần hội đồng quản trị, điều hành ngân hàng thường được lựa chọn để phục vụ mục tiêu, chiến lược, trong một khoảng thời gian nhất định.

Mặt khác, theo quy định hiện hành của Việt Nam với vị trí nhân sự cấp cao của ngân hàng, ngoài nguyên tắc tiêu chuẩn chung theo luật định thì không cần phân biệt yếu tố chuyên môn, lĩnh vực hoạt động trước đó của nhân sự. Nên nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực khác cũng có thể đứng đầu ngân hàng.

“Mỗi khi thị trường xuất hiện thay đổi xu hướng, luôn luôn có chỗ cho những người tài. Sẽ rất tốt cho ngân hàng nếu người đứng đầu mang kinh nghiệm trong lĩnh vực trước đó của họ bổ sung vào hoạt động ngân hàng muốn hướng tới. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải cẩn trọng việc nhân sự mới không tôn trọng những chuẩn mực hiện hành”, luật sư Hải chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Một năm biến động mạnh nhân sự cao cấp ngân hàng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).