Muôn kiểu xâm lấn rừng (Kỳ 3): 'Về tay doanh nghiệp', rừng xanh trơ trụi

27/09/2021 08:51

Sau khi được giao đất để triển khai dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, hàng chục hecta rừng 'biến mất' đổi lại là đất hoang đồi núi trọc.

Phá “nhầm” rừng phòng hộ

Tối 6/8, người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) phát hiện đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 (Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư) đưa công nhân, máy móc đến chặt phá rừng dương (phi lao) bên ngoài khu vực dự án tại thôn Xuân Bình, Xuân Phương (xã Mỹ An) vào ban đêm.

Khu vực rừng dương vốn được trồng để che chắn, giữ đất trước sự xâm chiếm của cát, ngăn chặn bão cát hoành hành, che chắn gió bão cho dân làng từ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều diện tích rừng dương lần lượt bị xâm hại, tàn phá vì thiên tai và các dự án.

Tháng 8/2021, người dân thôn Xuân Bình và Xuân Phương, xã Mỹ An (Phù Mỹ, Bình Định) phát hiện nhiều diện tích rừng bị chặt phá, ửi trắng, mất cả gốc.

Tại hiện trường, nhiều diện tích rừng dương thuộc 2 thôn Xuân Bình, Xuân Phương (xã Mỹ An) bị chặt phá, ủi trắng, mất cả gốc. Đến ngày 12/8, đoàn kiểm tra của huyện Phù Mỹ đã kiểm tra xác định đơn vi thi công đã phá khoảng 5,2 ha rừng chủ yếu là cây dương khoảng 10 năm tuổi thuộc rừng phòng hộ ven biển do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý. Sau khi phát hiện sự việc, các cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ yêu cầu dừng thi công, việc chặt phá rừng dương ven biển vào ban đêm mới dừng lại.

Theo ông Bùi Long Thăng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ thì một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp “phá rừng” do nhầm lẫn mốc giới, ủi phá lấn qua rừng phòng hộ sau nhiều lần chuyển đổi chủ. Trong khi đó theo ông Phan Hữu Duy – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) thì dự án được triển khai từ năm 2017, qua nhiều bên thi công nên mốc giới bị nhầm lẫn.

Đến ngày 16/9, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của đại diện các đơn vị liên quan ở huyện này. Trên cơ sở cuộc họp trên, UBND huyện Phù Mỹ đề xuất UBND tỉnh Bình Định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền từ 60 đến 90 triệu đồng; Buộc doanh nghiệp này trả lại 5,2 ha đất đã lấn chiếm để giao lại địa phương quản lý theo thẩm quyền và thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định.

Ngoài ra, UBND huyện Phù Mỹ còn đề xuất UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc để xảy ra sai phạm trên.

Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp bị người dân phát hiện hành vi phá rừng trong lúc triển khai dự án. Trước đó 1 năm, trung tuần tháng 8/2020 Công ty Cổ phần xây dựng Công trình Hồng Lâm đã chặt phá gần 5.000 m2 diện tích rừng phòng hộ ven biển chưa đúng quy trình thủ tục, trái quy định pháp luật trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp đê biển Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng.

Sau khi bị chặt hạ, các thân cây được chất thành đống.

Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu: "Khi thi công các công trình mà có tác động, ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, theo quy định của pháp luật, Công ty Hồng Lâm phải có giấy chuyển mục đích sử dụng rừng thì mới được phép thi công. Nhưng cho đến nay thì công ty này vẫn chưa có giấy phép theo quy định".

Mất rừng khi giao chodoanh nghiệp

Trong khi đó trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cũng phát sinh hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quá trình giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án. Năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty TNHH đầu tư Hàn Việt để thực hiện dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf rộng 268 ha tại tiểu khu 167c và 278a, xã Hiệp An huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Thời gian hết tiến độ thực hiện dự án là ngày 31/8/2012.

Hàng trăm cây thông bị chặt hạ trên khu vực đất UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho công ty Hàn Việt triển khai dự án.

Tuy nhiên từ khi được giao đất cho đến nay, ngoài việc khai thác gỗ thông dưới hình thức “tận thu” vào năm 2010, Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt không triển khai bất cứ hạng mục nào theo Giấy chứng nhận đầu tư. Suốt nhiều năm qua, doanh nghiệp trên đã buông lỏng quản lý khiến rừng bị tàn phá dữ dội, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng.

Theo thống kê, chỉ trong năm 2019 và đầu 2020, doanh nghiệp này đã để mất ít nhất gần 10 ha đất lâm nghiệp do người dân lấn chiếm cùng hàng trăm cây thông bị cưa hạ, tàn phá, khai thác trái pháp luật. Ngoài việc không triển khai dự án, từ năm 2016 tới nay, chủ đầu tư không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng, chưa chấp hành nộp tiền thiệt hại tài nguyên rừng. Công ty không phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu hồi phần diện tích bị lấn chiếm trái phép.

Đến tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án du lịch nghỉ dưỡng, sân golf của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt. Đến tháng 6/2021 sau nhiều lần nhận được đề nghị từ UBND huyện Đức Trọng thì UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thu hồi 268 hecta đất đã giao cho Công ty Hàn Việt.

Luật sư Trần Đình Thắng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Trần Đình Thắng – Công ty Luật TNHH KOCI, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, khi quyết định giao dự án phát triển kinh tế trên các khu vực có rừng cho các doanh nghiệp thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu thật kỹ tính được mất khi tiến hành triển khai dự án tại khu vực này. Các cơ quan cũng cần phải kiểm tra thật kỹ năng lực thực sự của doanh nghiệp, tránh tình trạng rừng bị triệt phá, còn dự án thì bị bỏ dở, chậm tiến độ như hiện nay.

Cũng theo Luật sư Thắng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều điều khoản chặt chẽ liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ rừng trên khu vực đất được giao để triển khai dự án, nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc có thể bị xử phạt, thu hồi dự án, nghiêm trọng hơn nữa có thể đưa ra xử lý trách nhiệm hình sự tránh tình trạng “vô trách nhiệm” như hiện nay.

Trong khi đó, theo GS.TSKH Nguyễn Văn Lung – nguyên Cục trưởng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT thì chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương làm tốt vai trò quản lý, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thì chúng ta sẽ giữ được rừng. Nếu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương làm tốt vai trò quản lý của mình thì không còn chuyện doanh nghiệp dám làm trước báo cáo sau như hiện nay nữa, không có chuyện chặt phá nhầm như vừa rồi ở Bình Định.

Bạn đang đọc bài viết "Muôn kiểu xâm lấn rừng (Kỳ 3): 'Về tay doanh nghiệp', rừng xanh trơ trụi" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).