Bình luận của bà Yellen tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Mỹ hôm 6-4 đã đặt ra câu hỏi về vai trò tương lai của G20 trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine. Kể từ năm 2008, đây là diễn đàn quốc tế quan trọng cho các vấn đề từ cứu trợ dịch Covid-19 đến nợ xuyên biên giới.
Bà Yellen nói rằng chiến dịch của Nga và chuyện "giết hại dân thường ở Bucha" - như tố cáo của Ukraine dù Nga bác bỏ - là "hành động đáng trách", "không thể chấp nhận được đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ và sẽ gây ra những hậu quả kinh tế to lớn ở Ukraine và hơn thế nữa".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ sẽ tẩy chay "một số cuộc họp G20" nếu các quan chức Nga xuất hiện. Ảnh: The New York Times
Theo bà Yellen, một lệnh cấm hoàn toàn đối với xuất khẩu dầu từ Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Ả Rập Saudi, có thể sẽ khiến giá tăng vọt, gây tổn hại cho cả Mỹ lẫn châu Âu. Bà hy vọng rằng mức giá cao hiện tại sẽ lôi kéo các công ty dầu mỏ ở Mỹ và các nơi khác tăng cường sản xuất trong 6 tháng tới.
Bà Yellen nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đẩy Nga ra khỏi các tổ chức quốc tế lớn song việc chấm dứt tư cách thành viên của Nga trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là khó thực hiện do các quy định của tổ chức này.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, chính phủ Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin dự định tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali - Indonesia vào tháng 11 và đã nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc để ở lại nhóm.
Toàn cảnh phiên họp đặc biệt về tình hình Ukraine của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 4-3. Ảnh: Reuters
Về phía Nga, Moscow cảnh báo những nước ủng hộ nghị quyết kêu gọi loại Moscow ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) sẽ bị coi là "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương.
Mỹ đã đệ trình nghị quyết yêu cầu loại Nga ra khỏi UNHRC sau khi Ukraine cáo buộc quân đội nước này sát hại hàng trăm dân thường ở Bucha. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, gồm 193 thành viên, sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 7-4.
Phái bộ của Nga tại Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước lên tiếng phản đối nghị quyết chống Nga này. Hiện chưa rõ có bao nhiêu quốc gia đã nhận được công hàm.
Trước đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua hai nghị quyết tố cáo và chỉ trích Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine với lần lượt 141 và 140 phiếu ủng hộ.
Cùng ngày 6-4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo nếu các nước phương Tây tiếp tục trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Moscow không loại trừ khả năng chấm dứt quan hệ ngoại giao với những nước này.
Ông Peskov cũng cho rằng làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao gần đây có thể đe dọa đến các mối quan hệ ngoại giao đang diễn ra.
Khi được hỏi liệu Moscow có cân nhắc đến việc cắt đứt quan hệ sau khi hàng chục nhà ngoại giao nước này bị tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh ở các nước NATO hay không, ông Peskov nói: "Có một rủi ro tiềm tàng kể từ khi chúng tôi đối mặt với những hành động thù địch đó mỗi ngày. Việc trục xuất các nhà ngoại giao là một quyết định dẫn tới đóng cánh cửa ngoại giao".
Ý, Tây Ban Nha và Đan Mạch đã trục xuất 70 đại diện ngoại giao Nga hôm 5-4, sau khi Đức và Pháp trục xuất lần lượt 35 và 40 người.