Trước đó, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có nhiều bài viết lật tẩy góc khuất của tổ chức kinh doanh sản phẩm như kem nám, viên uống mang thương hiệu Bạch Liên Đường. Trong quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy vì lợi nhuận mà tổ chức kinh doanh bất chấp, vi phạm các quy định pháp luật như: quảng cáo sai trên webiste, mạng xã hội, lợi dụng trái phép hình ảnh TS. Vũ Khánh Vân - nguyên Trưởng khoa 9, Viện Y học cổ truyền quân đội.
Thậm chí, để kiểm chứng, PV đã để lại thông tin trên trang website bán hàng của Bạch Liên Đường thì cũng được nhân viên gọi lại tư vấn và khẳng định sản phẩm điều trị dứt điểm bệnh nám, không tái lại...
Trong quá trình mở rộng thông tin, PV nhận thấy trên fanpage của Bạch Liên Đường còn đăng tải bộ sản phẩm khác là Doctor K gồm kem nám và kem dưỡng cũng đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo lời người đăng tải, đây là sản phẩm mới, nhà thuốc ra mắt nhân dịp lễ 30/4 -1/5. Sản phẩm này được “nổ” có công dụng chuyên sâu hơn như đặc trị nám ẩn sâu, nám điều trị lâu chưa khỏi...
Cụ thể, tại website http://www.starhomespa.com, bộ kem nám Doctor K được giới thiệu chiết xuất 100% dược liệu thiên nhiên, phác đồ điều trị được dựng lên gồm 3 giai đoạn sẽ giúp da hết nám, tàn nhang và lấy lại vẻ hồng hào vốn có. Để người dùng tin tưởng, người bán còn khẳng định bản chất của sản phẩm này là thuốc nên mỗi lần sử dụng chỉ cần lấy lượng nhỏ bằng hạt đậu là có thể “hết nám cả đời”.
Ngoài ra, trên facebook, bộ sản phẩm Doctor K cũng được tung hô như “thần dược” có công dụng chống lão hóa, xóa mờ nám da, trả lại làn da không tuổi cho phụ nữ.
Đáng nói, các sản phẩm trên đều là mỹ phẩm nhưng lại giới thiệu như thuốc điều trị. Kèm theo bài quảng cáo là hình ảnh ghi chú công dụng “chữa dứt điểm nám, tàn nhang”.
Với những chiêu trò quảng cáo như vậy, Doctor K dễ dàng đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng đang tìm phương pháp chữa bệnh cũng như làm đẹp.
Tuy nhiên, việc quảng cáo gây hiểu nhầm công dụng của mỹ phẩm Doctor K đang vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng từ “điều trị” để quảng cáo.
Bộ Y tế cũng định nghĩa, mỹ phẩm là chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với phần bên ngoài thân thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi) hoặc răng và niêm mạc mồm với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ thân thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.
Ngoài ra, đối với việc quảng cáo mỹ phẩm: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN. Trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có đủ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường và lưu ý khi sử dụng (nếu có).
Quy định là vậy nhưng thực tế không phải khách hàng nào cũng có dữ liệu thông tin kiểm chứng sản phẩm mình mua không phải thuốc điều trị mà chỉ đơn thuần là mỹ phẩm nên khó tránh được trường hợp “tiền mất tật vẫn mang”. Cũng theo điều tra của PV, bộ sản phẩm Doctor K có gắn tên thương hiệu Minh Y Đường (Phòng chẩn trị Minh Y Đường tại địa chỉ số 8, ngõ 77, Nguyễn Thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) ngoài bao bì sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng nghi vấn Minh Y Đường và Bạch Liên Đường có mối quan hệ như thế nào?