Mặc dù từ khi ra đời tới nay, tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) đã có bước phát triển nhanh chưa từng có, thậm chí những cú bùng nổ trên quy mô toàn cầu đã khiến không ít người trở thành tỉ phú.
Tuy nhiên, ngay khi nó dường như đang ở đỉnh cao, và nhiều quốc gia bắt đầu để mắt tới, cũng như tìm cách quản lý thị trường đầy tiềm năng này, thì những kẽ hở bắt đầu lộ diện.
Trong đó, cú thảm họa sụp đổ của sàn giao dịch tiền số trị giá 32 tỷ USD FTX đã phá vỡ niềm tin của các nhà đầu tư vào tài sản kỹ thuật số. Sam Bankman-Fried, ông chủ của FTX, đã từ chức vào ngày 11/11 và bị bắt tại Bahamas ngày 12/12. Chính phủ Mỹ buộc tội Sam lừa đảo và rửa tiền.
Những người tham gia thị trường đang cố gắng đánh giá mức độ thiệt hại mà vụ việc này gây ra. Cú sập đã lấy đi rất nhiều nỗ lực khôi phục của nhiều bên tham gia thị trường, và nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Còn cửa nào cho ngành tiền số trong những năm tới?
Trong khi cùng thời gian tháng 11 của năm 2021, giá Bitcoin vọt lên mốc kỷ lục 68.000 USD, kéo theo các đồng tiền kỹ thuật số khác tăng mạnh, đưa tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền kỹ thuật số tiệm cận mốc 3.100 tỉ USD. Tuy nhiên, đúng một năm sau vào ngày 10.11.2022, giá Bitcoin rơi xuống mức thấp kỷ lục 16.000 USD kể từ năm 2020. Theo dữ liệu từ CryptoQuant, kể từ đầu năm 2020, khoảng 900.000 Bitcoin đã được rút ra khỏi các sàn giao dịch.
Có lẽ, không chỉ bởi những thông tin "thảm họa" liên tiếp xảy ra, mà giới chuyên gia còn nhận định, sau những cú sốc lớn cho thị trường như vậy, rất khó có khả năng thị trường tiền kỹ thuật số có thể phục hồi ngay vào năm 2023.
Đánh giá về nguyên nhân của sự xuống dốc, nhiều nhà quan sát cho rằng, có lẽ nguồn cơn cũng bởi kênh đầu tư này có độ an toàn quá thấp. Trong khi đó, tốc độ suy thoái kinh tế toàn cầu dường như đang đe dọa tất cả các quốc gia. Các cuộc khủng hoảng về chính trị đã kéo theo tỷ lệ lạm phát gia tăng, thậm chí lên mức đột biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc,...
Cùng với đó, là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục có động thái tăng lãi suất cho vay. Nhiều đồng tiền chung đã mất giá đến mức thê thảm, từ đó, việc đồng tiền "ảo" càng thiệt hại hơn nữa cũng là điều dễ hiểu.
Ở thời điểm hiện tại, giá Bitcoin đã giảm gần 20%, và có lẽ nhiều nhà đầu tư đã lặng lẽ rút khỏi thị trường, để tìm kiếm những kênh an toàn hơn, trong bối cảnh tương lai chưa có gì sáng lạn trong năm 2023.
Chỉ có một cửa sáng duy nhất là cùng với nỗ lực của các nền kinh tế dẫn đầu, các chính sách áp dụng của FED hay các Ngân hàng Trung ương, các nhà quản lý chính sách và những dự án sáng kiến có đủ tiềm lực, tiềm năng khôi phục giá trị đồng tiền kỹ thuật số thì năm 2023, hoặc lâu hơn nữa, mới có thể bàn mới chuyện thị trường tiền kỹ thuật số.
Nếu như không phải là "vị cứu tinh" như CEO Sam Bankman-Fried của FTX đã từng cứu "giá" ngành tiền số, khi quyết định bỏ hàng tỉ USD cứu các công ty trên đà suy giảm ở thời điểm đen tối nhất, thì chúng ta phải chờ đợi một hoặc nhiều vị cứu tinh khác: sẽ là ai? Có thể là một vị CEO khác như Elon Musk chăng? Hay cũng có thể là một chính phủ mới, có đủ quyền lực để công nhận đồng tiền kỹ thuật số. Từ đó, tạo đà hồi phục cho thị trường đầy "bí ẩn" này.
Nhà đầu tư mất dần niềm tin không chỉ trong lĩnh vực tiền điện tử mà nói chung các loại tài sản. Ảnh minh họa: IT
Sự hồi phục của bất cứ loại tài sản nào cũng sẽ đánh bại những tài sản truyền thống như vàng, cổ phiếu hoặc bất động sản. Giới phân tích cho rằng, năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% mỗi năm của thập kỷ trước đại dịch. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, sản lượng kinh tế trên đầu người sẽ vẫn tăng nhẹ.
Với những nhà đầu tư vào thị trường crypto toàn cầu, nếu như đã từng thăng hoa bao nhiêu trong năm 2021, thì 2022 thực sự là một cú trả lại toàn bộ trước đó. Hy vọng, cánh cửa 2023 sẽ không khép lại với đồng tiền rất có yếu tố tiềm năng này. Bởi tính năng của BTC hay ETH và nhiều loại tiền số đều ở dạng dễ giao dịch, dễ bảo quản, dễ khai thác và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác động vật lý nào. Nó thực sự là những sáng tạo đột phá của thế hệ mới, cũng là một khe cửa hẹp, nhưng có thể sáng để giúp tiền kỹ thuật số trở lại đường đua của tương lai.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.