Nhà đầu tư tiền mã hóa đối diện với rủi ro cao

22/12/2022 11:10

Hơn 6,8 triệu người Việt đã và đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn từ việc đầu tư vào tiền mã hóa.

Việt Nam có số người chơi tiền mã hóa cao hàng đầu thế giới, nhưng hiện chưa có hành lang pháp lý cho thị trường này

Người Việt ham chơi tiền mã hóa

Báo cáo mới nhất của Bkav cho thấy, có tới  6,8 triệu người Việt Nam tham gia thị trường tiền mã hóa, thuộc top các nước có số người tham gia cao hàng đầu thế giới. Con số này cũng trùng hợp với thống kê của Nền tảng phân tích blockchain Chainalysis.

Theo số liệu từ Chainalysis, từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, ghi nhận số lượng mua bán crypto (tiền số) kỷ lục trị giá hơn 112,6 tỷ USD tại Việt Nam (Thái Lan là 135,9 tỷ USD, Singapore là 100,3 tỷ USD).

Bkav cũng đánh giá, số lượng lớn người dùng trong nước sẵn sàng gia nhập thị trường hoàn toàn mới này cho thấy tiềm năng Việt Nam có thể dẫn đầu lĩnh vực tiền mã hóa trong tương lai. Bkav đã “điểm danh” một số dự án Việt Nam thành công bước đầu trên thị trường như Sky Mavis với sản phẩm game Axie Infinity và đồng AXS có giá trị vốn hóa đạt khoảng 4 tỷ USD, có thời điểm còn vọt lên tới trên 10 tỷ USD; Dự án tiền mã hóa Coin98 đạt vốn hóa 1,15 tỷ USD;  Kyber Network là một dự án DeFi (tài chính phi tập trung) vốn hóa đạt vượt mốc 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bkav cũng cảnh báo, việc có số lượng người chơi tiền mã hóa cao đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh, bởi đây là thị trường mới, chưa hoàn thiện và chưa được công nhận ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Khảo sát của Bkav, 49% người đầu tư tiền số trong nước chưa có hiểu biết đầy đủ mà “chơi” theo tâm lý đám đông hoặc qua bạn bè rủ rê.

Rủi ro an ninh bảo mật

Tiền mã hóa xây dựng dựa trên công nghệ blockchain, cơ chế đồng thuận và thuật toán số hữu hạn. Các đồng tiền này có thể bị thao túng, kiểm soát bởi nhà phát hành hay các thuật toán, dẫn đến sụp đổ như đồng tiền Luna và UST. Được định giá bằng “niềm tin” nên cũng sụp đổ dễ dàng bởi thông tin dư luận như vụ sập sàn FTX. Năm 2022, người Việt đã tổn thất rất lớn từ những vụ sập sàn tiền mã hóa.

Báo cáo thị trường gọi vốn Crypto nửa đầu năm 2022 với những số liệu được thu thập từ website của Dovemetrics và Team Coin98 Insights cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 1.120 thương vụ gọi vốn được công bố, với hơn 28,8 tỷ USD tổng giá trị các khoản đầu tư vào thị trường tiền điện tử Crypto.

Bên cạnh đó, là rủi ro từ những vụ tấn công vào các dự án tiền mã hóa mà không ít người Việt tham gia. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt dự án tiền mã hóa bị tấn công gây thiệt hại lớn như Ronin Network gây thiệt hại 625 triệu USD, Wormhole (326 triệu USD), Nomad (190 triệu USD), Harmony Horizon (100 triệu USD), Qubit Finance (80 triệu USD)… và mới đây nhất là vụ tấn công vào Binance gây thiệt hại 570 triệu USD vào tháng 10/2022, nâng tổng số tiền mã hóa bị chiếm đoạt lên hơn 3 tỷ USD trong năm 2022.

Ngay cả 2 dự án giao dịch bằng tiền mã hóa của Việt Nam là Sky Mavis và  Kyber Network cũng bị tấn công, gây thiệt hại lớn. Tháng 9/2022, Kyber Network bị tấn công và lấy đi 265.000 USD tiền mã hóa từ 2 địa chỉ “cá voi” của dự án. Trước đó, cuối tháng 3/2022, tin tặc đã tấn công Axie Infinity - hệ thống ứng dụng trò chơi điện tử trực tuyến dựa trên NFT do Hãng Sky Mavis phát triển, để chiếm đoạt 617 triệu USD, gây chấn động giới blockchain và thị trường tiền số.

Ông Nguyễn Văn Cường, Tổng giám đốc phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết: “Vấn đề an ninh tiền mã hóa khá phức tạp, từ nguy bị cơ thao túng bởi dư luận, sự kiểm soát giá cả của các nhà phát hành tiền số bằng thuật toán, cơ chế kiểm soát lừa đảo của các sàn giao dịch và tổ chức phát hành cho đến các cuộc tấn công mạng của các nhóm hacker... Người dùng nên trang bị đầy đủ kiến thức, đặc biệt lưu ý thông tin kiểm toán khi tham gia vào thị trường này. Đây là thông tin quan trọng nhưng lại chưa được nhiều người dùng quan tâm”.

Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới không công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán, đồng thời cũng chưa ghi nhận giá trị pháp lý của tiền mã hóa là một loại hàng hóa hay một loại tài sản. Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức quản lý thị trường tiền mã hóa, cũng như chưa có bộ, ban, ngành, cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường này. Hiện Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường tiền mã hóa.

Bạn đang đọc bài viết "Nhà đầu tư tiền mã hóa đối diện với rủi ro cao" tại chuyên mục Tiền Điện Tử. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).