9 tháng đầu năm ghi nhận lỗ hoạt động cốt lõi 22,4 tỷ đồng
Trong quý III/2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 121,01 tỷ đồng, tăng 20,65 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 0,3 tỷ đồng, giảm 99,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận 68,51 tỷ đồng, tương ứng tăng 69,95 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ âm 1,44 tỷ đồng); doanh thu tài chính giảm 85,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 231,62 tỷ đồng về 39,1 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 150,5%, tương ứng tăng thêm 51,74 tỷ đồng lên 86,11 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 79,1%, tương ứng giảm 18,19 tỷ đồng về 4,8 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 13,87 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,14 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 22,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 58,8 tỷ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lỗi ghi nhận lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ vào việc ghi doanh thu tài chính là 39,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cho biết nguyên nhân doanh thu tài chính giảm chủ yếu do không ghi nhận thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư so với cùng kỳ ghi nhận 250 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 290,17 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2,09 tỷ đồng, giảm 99,4% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Công ty dự kiến tổng doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty mới hoàn thành được 2% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách rất xa kế hoạch.
9 tháng đầu năm dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục từ trước tới nay
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 862,9 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 625,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.083,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.934 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Được biết, từ năm 2007 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của Năm Bảy Bảy ghi nhận âm vượt số tiền 862,9 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2010, Công ty ghi nhận dòng tiền âm 351,62 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021, Công ty đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 103,18 tỷ đồng. Như vậy, nếu quý IV không có gì thay đổi, Công ty sẽ ghi nhận dòng tiền âm 2 năm liên tiếp.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tăng 46,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.014,9 tỷ đồng lên 6.388,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn đạt 1.600,2 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.587,2 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.429,9 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.272,2 tỷ đồng, chiếm 19,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu dài hạn tăng 162,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 981,9 tỷ đồng lên 1.587,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 36,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 340,9 tỷ đồng lên 1,272,2 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 83,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 649,5 tỷ đồng lên 1.429,9 tỷ đồng …
Như vậy, việc Công ty đã tăng tồn kho và các khoản phải thu trong 9 tháng đầu năm, điều này nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục từ trước tới nay.
Điểm đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm Công ty đã tăng trả trước cho người bán ngắn hạn chủ yếu là CTCP Xây dựng hạ tầng CII từ 20,8 tỷ đồng lên 603,3 tỷ đồng. Được biết, CTCP Xây dựng hạ tầng CII là đơn vị liên quan CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE), đơn vị liên tục thoái vốn tại Năm Bảy Bảy từ cuối năm 2021 tới nay.
Thêm nữa, phải thu dài hạn tăng chủ yếu do Công ty ghi nhận phải thu vốn góp hợp tác đầu tư là 1.566,1 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận. Công ty thuyết minh đây là khoản hợp tác với CII về việc đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận từ cao ốc 152 Điện Biên Phủ với số tiền 1.150 tỷ đồng và hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (công ty con của CII) thực hiện hoạt động kinh doanh tại các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính tới 30/9/2022, số tiền Công ty góp vốn vào là 416 tỷ đồng.
Như vậy, mặc dù CII đã liên tục thoái vốn và chuyển cách ghi nhận từ công ty con sang công ty liên kết đối với Năm Bảy Bảy nhưng vẫn sử dụng các nguồn lực của Năm Bảy Bảy.
Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 162,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.934 tỷ đồng lên 3.121,1 tỷ đồng và chiếm 48,9% tổng nguồn vốn.
CII đã bán ra 56,18% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy
Ở một diễn biến khác, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII - sàn HoSE) vừa bán 10 triệu cổ phiếu NBB để giảm sở hữu từ 47,51% về còn 37,52% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 7/7 đến 5/8.
Được biết, tính tới 31/12/2020, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM sở hữu 93,7% vốn điều lệ tại NBB và ghi nhận là đầu tư vào công ty con. Tuy nhiên, tới 30/06/2022, CII chỉ còn sở hữu 47,51% vốn điều lệ tại NBB và ghi nhận là công ty liên kết.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, CII đã bán ra 56,18% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và chuyển từ công con sang công liên kết.
Mặc dù CII đã bán ra phần lớn vốn tại Năm Bảy Bảy nhưng trong 9 tháng đầu năm vẫn đã nhận 1.150 tỷ đồng từ Năm Bảy Bảy để đầu tư dự án 152 Điện Biên Phủ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/10, cổ phiếu NBB giảm sàn 1.200 đồng về 16.000 đồng/cổ phiếu.