Nan giải công nghệ điện rác ở TP.HCM: Khởi công rồi...'nằm chờ' (Kỳ 1)

15/06/2021 15:05

Hàng loạt giải pháp nhằm giải quyết vấn đề xử lý rác thải tại TP.HCM được đưa ra, trong đó có công nghệ điện rác. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nhà máy điện rác đã khởi công nhưng chưa thể hoạt động.

 

Vẫn sử dụng công nghệ xử lý rác lạc hậu

Hiện nay, đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM thì khối lượng rác thải cũng liên tục tăng nhanh qua từng năm. Rác thải thực sự đang trở thành nỗi lo lắng của người dân và cũng là thách thức lớn đối với bộ máy chính quyền thành phố trong công tác xử lý, đảm bảo an toàn chất lượng môi trường sống.

Theo số liệu của Sở TN&MT TP.HCM, trung bình mỗi ngày toàn TP có gần 10.000 tấn rác thải cần xử lý. Trong đó, rác thải sinh hoạt là khoảng 9.200 tấn, còn lại là rác thải công nghiệp, rác thải y tế. Dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày, trung bình tăng khoảng 5% mỗi năm.

tm-img-alt Kế hoạch của viêc phân loại rác tại nguồn tại TP.HCM thời gian qua không đặt được hiệu quả như mong đợi.

Thực tế, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày chủ yếu là các chất hữu cơ và có độ ẩm cao… Cùng với đó, nhận thức của người dân về việc phân loại tại nguồn của loại rác thải này là chưa cao, dẫn đến khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Và phần lớn, khối lượng rác tại TP.HCM hiện nay vẫn đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế. Tuy nhiên, mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp, hay phương pháp đốt vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và chưa đáp ứng đủ nhu cầu xử lý rác của thành phố.

Việc xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp tiềm ẩn rất cao nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi lượng nước rỉ rác, khí và mùi phát sinh. Mặc dù hiện nay, các bãi chôn lấp đều được “nâng cấp” có lớp lót đáy, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác và hệ thống thu gom khí thải…Tuy nhiên, trong quá trình phân hủy, nồng độ các chất hữu cơ, vô cơ trong bãi rác liên tục có những thay đổi. Từ đó, tác động ngược tới môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khoẻ của người dân sinh sống quanh khu vực bãi chôn lấp.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, các đơn vị xử lý rác sử dụng công nghệ chôn lấp hay phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng) trên địa bàn TP.HCM liên tục bị réo tên vì đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Các phương pháp này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường xung quanh cả khi đang vận hành và còn tác động một thời gian dài sau khi đóng cửa bãi rác. 

tm-img-alt Xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Đa Phước trong nhưng năm qua đã gây tác động nặng nề tới môi trường và cuộc sống của người dân TP.HCM.

Thiếu tính đồng bộ

Ngày 14/11/2018, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố. Theo quy định trên, rác thải sẽ được phân loại thành 3 nhóm gồm: Rác thải hữu cơ, rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm rác thải còn lại. Và việc tổ chức thu gom các loại rác thải sau khi được phân loại cũng sẽ được phân chia thu gom theo ngày cho phù hợp.

Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai các quy định về phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn thì đã lộ rõ nhiều bất cập. Theo tìm hiểu của Phóng viên, tại nhiều địa bàn của TP.HCM, sau khi rác được người dân phân loại tại nhà thì người đi thu gom rác vẫn đổ chung vào một xe rồi vận chuyển đến bãi tập kết dẫn đến việc phân loại rác trở thành “công dã tràng”.

Chưa kể một số nơi, việc phân loại rác vẫn chưa được triển khai thực hiện theo đúng quy định đã được ban hành, ý thức của người dân chưa cao và rác thải vẫn được gom chung, đổ đống chờ thu gom mang đi xử lý. Chia sẻ về thực trạng trên, một tiểu thương tại chợ đầu mối Nông sản Hóc Môn nói: “Bao nhiêu loại rác thải trong chợ đầu mối phần đa đâu có phân loại gì, mạnh ai người đó xả ra thôi. Xả tràn lan cả trong chợ lẫn ngoài đường, rồi sáng sớm người ta đi quét dọn, gom hết lại rồi chở đi. Cũng không thấy ai kiểm tra, nhắc nhỏ việc phân loại”.

Có thể nhận thấy, việc triển khai phân loại rác tại nguồn chưa có tính đồng bộ, chỉ mang lại tín hiệu tích cực ở thời điểm ban đầu, sau đó lại không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng và dần chìm vào quên lãng.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư áp dụng công nghệ đốt rác phát điện tại các khu xử lý rác tập trung sau khi khởi công cũng bị “đứng hình”, không hoàn thiện và đi vào hoạt động đúng kế hoạch và từ đó gây nên nhiều khó khăn, hệ lụy. Có thể kể đến như nhà máy điện rác của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Vietstar. Sau khi khởi công rầm rộ, đến nay nhà máy rác phát điện đều phải nằm chờ. 

tm-img-alt Hình ảnh rác được xử lý bằng phương pháp đốt của một công ty xử lý rác trên địa bàn TP.HCM hiện nay.

Ngày 17/3 vừa qua, trong buổi tọa đàm khoa học về nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác: "Quản lý rác thải và các giải pháp truyền thông", Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết: "Tại TP.HCM đã có quy định về việc phân loại rác tại nguồn trong hộ gia đình, khu dân cư, nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân một phần, người dân phân loại rác xong nhưng cuối cùng cũng dồn về một chỗ rồi đem chôn lấp". 

Đối với giải pháp đốt rác mà TP.HCM đang hướng tới, bà Lý cũng có nhiều băn khoăn vì khoảng 70% là rác hữu cơ - loại rác có hàm lượng nước cao và rác hỗn hợp lớn.

"Liệu đốt toàn bộ như thế có khả thi hay không, hiệu quả có như mong muốn vì muốn đốt thì cần rất nhiều năng lượng, chưa kể là ô nhiễm không khí", bà Lý đặt vấn đề. Đồng thời, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lý cho rằng, nếu làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn và có những biện pháp tái sử dụng thì TP.HCM có thể giảm được 30% lượng rác phải xử lý mỗi ngày.

Bạn đang đọc bài viết "Nan giải công nghệ điện rác ở TP.HCM: Khởi công rồi...'nằm chờ' (Kỳ 1)" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).