Ngân hàng "chật vật" rao bán các khoản nợ khủng

14/09/2022 16:21

Nhiều ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, Agribank,… tiếp tục ráo riết rao bán các khoản nợ khủng với hàng loạt tài sản là bất động sản đảm bảo cho các khoản vay với giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.

Liên tục rao bán các khoản nợ xấu

Thực tế, từ đầu năm đến nay các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ xấu thông qua việc rao bán hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục cho tới hàng trăm tỷ đồng. Ngoài những tài sản được rao bán lần đầu, thì cũng có không ít tài sản được ngân hàng rao bán nhiều lần, thậm chí đại hạ giá vẫn chưa có người mua.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Đông Hà Nội bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ.

Tài sản bảo đảm bao gồm ba quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai, quyền và lợi ích của CTCP Đầu tư Minh Việt với toàn bộ công trình thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp Tricon Towers tại thôn Phương Viên, xã Song Phương huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Được biết, dự án Tricon Towers do một đơn vị của Singapore thiết kế, được quảng cáo là dự án đẳng cấp gồm ba tòa tháp cao 44 tầng với 732 căn hộ cao cấp với tổng mức đầu tư 145 triệu USD. Các căn hộ Tricon Towers có diện tích từ 131m2 đến 744m2. Chủ đầu tư là Công ty Minh Việt cam kết muộn nhất đến 30/06/2012 sẽ bàn giao nhà cho khách nhưng đến nay, dự án vẫn là bãi hoang.

Đây đã là lần thứ 4 Agribank rao bán khoản nợ này. Giá khởi điểm lần này giảm xuống còn gần 123,5 tỷ đồng, không bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác phải nộp theo quy định liên quan đến việc chuyển giao quyền sử dụng, sở hữu khoản nợ do Người mua được tài sản chịu trách nhiệm thanh toán (nếu có) kể cả các chi phí liên quan đến Tài sản bảo đảm.

ngan-hang-phat-mai-tai-san-dam-bao-gap-kho-khan-hon-vi-thanh-khoan-thi-truong-bat-dong-san-dang-tram-lang-1663146800.jpg

Ngân hàng phát mại tài sản đảm bảo gặp khó khăn hơn vì thanh khoản thị trường bất động sản đang trầm lắng. Ảnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HoSE: BID) cũng vừa thông báo đấu giá lần 2 quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ: Khu công nghiệp Chơn Thành, Xã Thành Tâm, Huyện Chơn Thành, Tỉnh Bình Phước, theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và Tài sản khác gắn liền với đất số BB 110470 (số vào sổ cấp GCN: CT 001889) do Sở Tài nguyên và Môi Trường Tỉnh Bình Phước cấp ngày 06/01/2011 và máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải được bố trí, lắp đặt kèm theo.

BIDV cho biết đây là tài sản của CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (UPCoM: DIC), được DIC thế chấp tại BIDV.HCM để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của DIC đối với BIDV, BIDV.HCM. Ngoài ra, ngân hàng nãy cũng lưu ý đây là những tài sản đã qua sử dụng, được bán đấu giá đồng thời, không bán tách rời. Tài sản được bán theo hiện trạng thực tế tài sản. Người đăng ký tham gia đấu giá đã được tạo điều kiện xem tài sản và tự chịu trách nhiệm khi quyết định mua tài sản.

Tổng giá khởi điểm của các tài sản đấu giá là 31,85 tỷ đồng, giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm các chi phí liên quan đến việc mua, sở hữu tài sản đấu giá như chi phí chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, tháo dỡ/di dời/vận chuyển/bảo vệ tài sản, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đăng ký, phí đăng kiểm/kiểm định, và các chi phí khác (nếu có),… để thực hiện mua, sở hữu tài sản; các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Khu công nghiệp Hải Dương vừa thông báo đấu giá cho khoản nợ của CTCP Phúc Đạt.

Theo đó, khoản nợ của Công ty này tại Vietinbank KCN Hải Dương có dư nợ đến 31/3/2022 là gần 161,52 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc hơn 105,6 tỷ đồng; lãi quá hạn hơn 48 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn gần 8 tỷ đồng.

Phía Vietinbank KCN Hải Dương cho biết, tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là hệ thống nhà xưởng sản xuất và toàn bộ máy móc thiết bị thuộc Dự án nhà máy sản xuất xi măng trắng với công suất 60.000 tấn clinker trắng/năm có diện tích đất thuê 46.934,2 m2 tại thửa đất số 1247, tờ bản đồ số 03 tại xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Giá khởi điểm cho nhà máy xi măng trên trên là hơn 95,06 tỷ đồng, thấp hơn dư nợ gốc là 105 tỷ đồng của Công ty Phúc Đạt.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng đang thực hiện bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Thương mại đầu tư Tân Hương. Giá trị khoản nợ của công ty là 327,1 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 99 tỷ đồng, lãi quá hạn là 170,2 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là 57,7 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ được rao bán là 133 tỷ đồng. 

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ hệ thống nhà xưởng, vật kiến trúc được xây dựng trên diện tích 23.164 m2 đất thuê và toàn bộ vật kiến trúc xây dựng trên xây dựng trên diện tích 2.557 m2 đất thuê tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Ngoài ra còn có một cầu trục lăn hai dầm và một máy xúc đào bánh lốp, hàng hóa sắt thép các loại cùng với 6 quyền sử dụng đất tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của CTCP Giấy BPP bao gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục khác phục vụ sản xuất giấy in, viết của dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy in, viết công suất 50.000 tấn/năm của CTCP Giấy BBP được đầu tư xây dựng, lắp đặt trên đất của hai quyền sử dụng đất có diện tích 31.867 m2 và toàn bộ nhà xưởng và vật kiến trúc khác được xây dựng trên đất của Quyền sử dụng đất có diện tích 18.945 m2; dây chuyền thiết bị tẩy trắng bột tre công suất 10.000 tấn/năm, hệ thống thiết bị xeo, hệ thống máy khuấy bột, máy biến áp 1.500KVA, hệ thống cân điện tử và 5 phương tiện vận tải gồm một xe ô tô con, hai xe Volvo 642, một xe ô tô tải và một xe nâng hàng cũng đang được Vietinbank bán đấy giá để xử lý nợ.

Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến ngày 30/6 là 389,2 tỷ đồng, trong đó dự nợ gốc là 212,5 tỷ đồng, lãi vay trong hạn là 154,7 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là 21,8 tỷ đồng.

Áp lực nợ xấu gia tăng

Theo thống kê của Vietnam Report, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh. Sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã hết hạn vào 30/6 và NHNN không gia hạn.

du-bao-no-xau-va-bao-no-xau-nam-2022-cua-29-ngan-hang-thuong-mai-1663146893.jpg

Dự báo nợ xấu và bao nợ xấu năm 2022 của 29 ngân hàng thương mại/Nguồn: SBV, Viện Nghiên cứu, Đào tạo BIDV.

Tính đến cuối quý 2/2022, tổng nợ xấu của VietinBank ở mức 16.666 tỷ đồng, tăng 16,5%. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 2,2 lần lên hơn 11.858 tỷ đồng; nợ nhóm 3 và nhóm 4 ghi nhận giảm lần lượt 53% và 26%, tương ứng với 3.330 tỷ đồng và 1.478 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng tăng từ 1,26% lên hơn 1,34%.

Đối với BIDV, cho vay nửa đầu năm tăng 9,5% lên hơn 1,48 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ xấu ghi nhận 15.139 tỷ đồng, tăng 11,8%. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 47,7% lên 4.071 tỷ đồng, nợ nhóm 4 giảm 30%, xuống còn 2.463 tỷ đồng, nợ nhóm 5 ở mức 8.604 tỷ đồng, tăng 18%. Tỷ lệ nợ xấu tăng 2 điểm cơ bản, từ 1% lên 1,02%.

Tương tự, mặc dù ghi nhận hoạt động tín dụng tăng 5,8% so với hồi đầu năm nhưng chất lượng nợ vay của Agribank có dấu hiệu suy giảm khi tổng nợ xấu nội bảng tăng hơn 22,1% so với mức gần 30.000 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Agribank cũng tăng từ 1,87% vào cuối năm ngoái lên 2,15% khi kết thúc nửa đầu năm.

Cụ thể, Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt 130,2% lên gần 7.232 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gần như không thay đổi với mức 3.376,4 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 7,4% hơn 19.375 tỷ đồng, chiếm tới tới 64,6% khối nợ xấu của Agribank.

Do triển vọng về nợ xấu gia tăng vào năm 2022 nên từ cuối năm trước, phần lớn các ngân hàng đã tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như “dự phòng” lợi nhuận cho năm nay. Kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên trong Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt vẫn đáng quan ngại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của một số ngân hàng chỉ đạt 35%, trong khi nợ xấu có nguy cơ tăng. 

Quý 1/2022, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp là 1,53%, nhưng các biện pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ được kết thúc vào cuối tháng 6/2022 có thể che giấu một số vấn đề về chất lượng tài sản. Nếu xác định nợ có vấn đề theo phạm vi rộng hơn, bao gồm cả nợ đã được tái cơ cấu, thì tỷ lệ nợ có rủi ro ít nhất là 5,76%.

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng tiêu dùng có vẻ xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng tăng vọt lên đến 9,6% trong năm 2021 so với 5,5% trong năm 2020. Mặc dù tỷ lệ an toàn vốn trên toàn hệ thống ở mức 11,5% trong quý 1/2022, vẫn cao hơn so với yêu cầu quản lý nhà nước (9%), nhưng vốn mỏng và tỷ lệ dự phòng khác nhau ở các ngân hàng là một vấn đề quan ngại.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, các ngân hàng có phát mại tài sản đảm bảo cũng gặp khó khăn vì tài sản đảm bảo đa phần là bất động sản, trong khi thị trường này đang trầm lắng.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng "chật vật" rao bán các khoản nợ khủng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).