Ngân hàng tuần qua: Lãi suất cho vay chạm đỉnh 16%, giá USD 'chợ đen' mất mốc 25.000 đồng

20/11/2022 12:47

Lãi suất cho vay tăng nhanh gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp và người đi vay. Các ngân hàng đang cho vay với mức lãi suất trung bình 12-14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm.

 Ngân hàng tuần qua: Lãi suất cho vay chạm đỉnh 16%, giá USD ‘chợ đen’ mất mốc 25.000 đồng

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất cho vay chạm đỉnh 16%, giá USD ‘chợ đen’ mất mốc 25.000 đồng

Nhà đầu tư nội tháo chạy, tay to nước ngoài gom cổ phiếu ngân hàng

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm hút tiền của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều phiên gần đây. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng là mục tiêu bắt đáy của khối ngoại khi giá đã giảm sâu.

Trong phiên giao dịch 16/11, khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 686 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại ngày 16/11 đã có hành động mạnh tay ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng hơn 3,8 triệu cổ phiếu CTG của VietinBank sau khi đã mua ròng 3 phiên liên tục trước đó.

Cổ phiếu HDB ngày 16/11 cũng được khối ngoại mua ròng trên 1,6 triệu đơn vị. HDB cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng thời gian liên tục dài nhất đợt này với 5 phiên liên tiếp, bất chấp diễn biến thị trường xấu, với tổng cộng mua ròng hơn 6,5 triệu đơn vị.

Tương tự, ngày 16/11, STB được khối ngoại mua ròng hơn 1,5 triệu cổ phiếu. Đây phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại với cổ phiếu này.

SHB cũng được khối ngoại mua ròng với gần 1,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu này cũng chứng kiến 4 phiên mua ròng liên tiếp của khối ngoại.

Các cổ phiếu khác như BID của BIDV, OCB của Ngân hàng Phương Đông, TPB của TPBank hay SSB của SeABank và EIB của Eximbank cũng được mua ròng trong nhiều phiên gần đây.

Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở mức thấp trong khi triển vọng tăng trưởng ngành này vẫn cao. Đây được coi là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài tăng mua nhóm cổ phiếu “vua”.

Giá đô 'chợ đen' mất mốc 25.000 đồng, USD thế giới thấp nhất 3 tháng

Sau khi chạm mốc 25.500 đồng/USD vào giữa tháng 10, tỷ giá trên thị trường phi chính thức liên tục lao dốc. Giá USD ngày 16/11 trên thị trường tự do tiếp tục giảm mạnh. Giá USD 'chợ đen' vào hôm nay được giao dịch quanh mức 24.850 - 25.000 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 170 đồng chiều mua và giảm 120 đồng ở chiều bán ra so với ngày 15/11.

So với mức đỉnh 25.500 đồng/USD thì giá USD trên thị trường tự do đã giảm tới 500 đồng ở chiều bán. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của đồng USD trên thị trường tự do được nới rộng, tới 150 đồng/USD.

Ở thị trường chính thức, giá USD cũng đang có xu hướng giảm.

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) vào ngày 16/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.677 đồng/USD, giữ nguyên so với hôm qua. Trước đó, từ 8-15/11, tỷ giá trung tâm có 6 phiên giảm liên tiếp, từ mức 23.688 đồng/USD xuống còn 23.677 đồng/USD, tức giảm 11 đồng.

Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 24.861 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.493 đồng/USD.

Tỷ giá bán giao ngay được NHNN giữ nguyên ở mức 24.860 đồng/USD. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay.

Hôm nay (19/11), giá USD chợ đen trong nước ở mức 24.915 - 24.985 đồng (mua vào - bán ra).

Thời ế ẩm: Ngân hàng phát mại nhà đất, giảm giá trăm tỷ vẫn không ai mua

Mới đây, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy Viet Nam. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Quận 1, Quận 12 và Quận 3 (TP. HCM). Tới ngày 14/9, tổng dư nợ của doanh nghiệp trên tại BIDV là hơn 481,2 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 347 tỷ đồng và nợ lãi là gần 134 tỷ đồng. Khoản nợ này được BIDV nhiều lần rao bán. Giá khởi điểm là 348,3 tỷ đồng, giảm hơn 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7.

BIDV cũng chật vật với khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với tài sản bảo đảm là Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, quyền sử dụng và khai thác các mỏ nguyên liệu... Giá khởi điểm ở lần đấu giá mới nhất là hơn 1.154 tỷ đồng. Sau 11 lần thông báo, BIDV đã giảm giá đấu giá hơn 1.000 tỷ đồng cho khoản nợ trên.

Ngân hàng này cũng 10 lần rao bán khoản nợ hơn 475 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép Việt Nga được đảm bảo bằng nhiều tài sản là bất động sản và nhà xưởng thuộc sở hữu của công ty và các cá nhân có liên quan. Trong lần rao bán thứ 10, giá khởi điểm mà BIDV đưa ra chỉ là 269 tỷ đồng, tương đương số nợ gốc ngân hàng đã cho Thép Việt Nga vay.

Theo giới chuyên gia, bất động sản phát mại, thanh lý khá hấp dẫn do mức giá "mềm". Đây là cơ hội để người mua nhà có thể mua được nhà, đất với mức giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, dù được hạ giá sâu nhưng không nhiều người mặn mà với bất động sản phát mại, thanh lý. Nguyên nhân chính là BĐS đang rơi vào giai đoạn khó khăn và thanh khoản rất yếu, nhất là các tài sản giá trị lớn. Những BĐS này thường được các DN hay tổ chức kinh doanh mua nhưng các DN bất động sản hiện còn khó khăn, phải bán chính dự án của mình thì việc ngân hàng ế khách cũng dễ hiểu.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng "ngại" mua các tài sản thanh lý vì… yếu tố pháp lý. Việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản. Nhiều tài sản thế chấp là bất động sản cần sự đồng thuận của chủ tài sản. Giá khởi điểm phải được đồng ý của cả ngân hàng lẫn khách hàng nên mất nhiều thời gian cho thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm.

Lãi suất cho vay tăng tháng cuối năm, chạm đỉnh 16%

Lãi suất cho vay được các ngân hàng tính theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Mà lãi suất cơ sở ngày càng có xu hướng đi lên khiến lãi suất cho vay cũng tăng cao.

Đầu tháng 11, không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cơ sở mới với mức tăng khá mạnh. Cụ thể, TPBank áp dụng lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng ở mức 9,1%; kỳ hạn 3 tháng là 10,1%; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 10,2%; kỳ hạn trên 12 tháng là 10,6%.

VPBank đưa ra mức lãi suất cơ sở thấp nhất là 9,7%/năm dành cho các kỳ hạn từ 1-3 tháng (kỳ điều chỉnh lãi 1 tháng) và cao nhất là 10,7%/năm dành cho kỳ hạn trên 15 năm (kỳ điều chỉnh lãi 3 tháng) đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân. Ở lần niêm yết trước, biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng này chỉ ở mức 8,6-10,6%.

Một số ngân hàng khác cũng niêm yết biểu lãi suất cơ sở cho vay mới. Đơn cử, SeABank nâng lãi suất cơ sở lên 9,9%, tăng 0,3 điểm % so với tháng trước. ABBank ghi nhận lãi suất cơ sở cho vay khách hàng ở mức 9,8%/năm. ACB cũng nâng lãi suất cơ sở từ 8% lên 8,5%, tăng 0,5 điểm %.

Lãi suất cơ sở tháng 11 này tăng khá mạnh so với trước đó. Đây là cơ sở để các ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Thông thường, các nhà băng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%.

Biểu lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng hiện tăng từ 0,5-1,2% so với đầu tháng 10. Lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở mức dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất cho vay tăng nhanh gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp và người đi vay. Các ngân hàng đang cho vay với mức lãi suất trung bình 12-14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm.

Đến lượt Eximbank (EIB) 'trần tình' khi cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) trong tuần qua đã có văn bản gửi UBCKNN, HoSE giải trình về việc giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 9-15/11/2022.

Theo Eximbank, giá cổ phiếu EIB tăng giảm là do cung cầu của thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng.

Eximbank cũng khẳng định hiện ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 đạt kết quả khả quan với nhiều chỉ tiêu hoạt động đã vượt kế hoạch năm 2022.

“Ngân hàng chúng tôi khẳng định, hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian qua tăng trưởng tốt, an toàn và luôn tuân thủ đúng các quy trình của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, sự biến động của giá cổ phiếu không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng”, Eximbank nhấn mạnh.

Buôn USD lãi đậm, ngân hàng thu khoản lợi nghìn tỷ

Báo cáo tài chính quý III/2022 của 28 ngân hàng cho thấy, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Vietcombank vẫn là ngân hàng lãi lớn nhất từ mảng kinh doanh này. Trong quý III, Vietcombank thu được gần 1.600 tỷ đồng lãi thuần từ ngoại hối, tăng 35% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, mảng kinh doanh ngoại hối mang về cho Vietcombank 4.581 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ và chiếm gần 9,3% tổng thu nhập hoạt động.

Đứng thứ 2 là VietinBank. Tính riêng trong quý III, mảng kinh doanh ngoại hối mang về 843 tỷ đồng lãi thuần, đóng góp gần 5% vào tổng thu nhập của ngân hàng này. Lũy kế 9 tháng, lãi thuần từ ngoại hối của VietinBank là 2.440 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.

BIDV đứng ở vị trí thứ 3 với lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong quý III đạt 801 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng thu nhập, tăng 75% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối đã mang về cho BIDV 2.011 tỷ đồng, tăng 62%.

Sau 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh kể trên, MBBank là một trong những ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại hối lớn và hoạt động hiệu quả ở mảng kinh doanh này. Trong quý III, MBBank thu về 402 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, tăng 13% so với cùng kỳ. Tổng lãi thuần từ ngoại hối của MBBank từ đầu năm là 1.340 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia tài chính cho hay, tỷ giá càng tăng thì hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng càng lãi lớn.

Thực tế, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng nhanh kể từ đầu tháng 4 đến nay, các ngân hàng càng kiếm đậm từ mảng kinh doanh ngoại hối.

Phần lớn lãi thuần trong kinh doanh ngoại hối đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Chẳng hạn, với Vietcombank, nghiệp vụ giao ngay mang về cho nhà băng này 85% doanh thu và toàn bộ lãi thuần trong hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Trong 9 tháng đầu năm, chênh lệch giữa giá mua và bán USD niêm yết tại các ngân hàng nhiều giai đoạn lên đến trên 300 đồng/USD, cao hơn nhiều so với mức hơn 200 đồng/USD năm 2021. Sự nới rộng về chênh lệnh giá mua - bán giúp các ngân hàng có được biên lợi nhuận cao hơn trên mỗi giao dịch. Điều này giúp các ngân hàng thu lãi cao hơn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Ngoài ra, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ còn đến từ hoạt động mua - bán USD giữa các ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng tuần qua: Lãi suất cho vay chạm đỉnh 16%, giá USD 'chợ đen' mất mốc 25.000 đồng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).