Tổng cộng 20 công ty châu Âu đã mở tài khoản bằng đồng ruble tại ngân hàng Gazprombank.
Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận với Gazprom cho hay bên cạnh 20 công ty châu Âu đã mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, 14 khách hàng khác đang nghiên cứu những thủ tục giấy tờ cần thiết để mở tài khoản. Tuy nhiên nguồn tin không nêu cụ thể danh tính của các công ty.
Trước đó, Financial Times cũng cho hay một số công ty năng lượng lớn của châu Âu đang chuẩn bị sử dụng một hệ thống thanh toán mới cho khí đốt của Nga theo yêu cầu của Điện Kremlin, điều mà các nhà phê bình cho rằng sẽ làm giảm tác động các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), đe dọa sự thống nhất của khối và cung cấp hàng tỷ USD tiền mặt cho nền kinh tế Nga.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/5, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết “hầu hết các nhà nhập khẩu khí đốt đã mở tài khoản bằng đồng ruble tại Gazprombank”.
Cũng theo ông Draghi, ngay cả nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu của Đức cũng đã thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble.
Theo kế hoạch thanh toán của Nga, bắt đầu từ ngày 1/4, các nhà nhập khẩu năng lượng phải mở hai tài khoản ngân hàng với Gazprombank, một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản bằng đồng ruble.
Nguồn tin thân cận của Gazprom giải thích giao dịch được coi là hoàn tất sau khi người mua thanh toán ngoại tệ (USD hoặc euro) cho Gazprombank. Việc chuyển đổi sau đó sang đồng ruble là tự động và không liên quan đến ngân hàng trung ương của Nga, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của EU.
Chính vì vậy, Gazprombank cho rằng việc các công ty mở tài khoản bằng đồng ruble và trả tiền khí đốt qua đây không bị coi là vi phạm các lệnh trừng phạt sẵn có của EU.
Loạt động thái này cho thấy những thách thức đối với EU trong việc duy trì một mặt trận thống nhất chống lại Moscow.
Các quốc gia thành viên và quan chức EU cho biết việc các nước châu Âu chấp thuận thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble sẽ dẫn đến việc Nga có thể tiếp cận hàng tỷ USD doanh thu từ khí đốt để hỗ trợ nền kinh tế của mình.
Nga cung cấp khoảng 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu năm 2021. EU đang đề xuất cắt giảm 66% lượng tiêu thụ khí đốt của Nga vào cuối năm nay, nhưng vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về cách thức đạt được điều đó.
Khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục chảy tới châu Âu hàng ngày dù khối này luôn thể hiện quyết tâm “cai nghiện” năng lượng Nga.