Buổi trưa, trời vùng biên oi nực. Nắng mùa đông xói thẳng vào kính lái, xiên thẳng vào cabin chiếc container do anh Hoàng Văn Thịnh (SN 1968, tỉnh Tiền Giang) đang ngồi ngáp vặt để giết thời giờ.
Mái tóc gần như bạc kín, gương mặt sạm đen, khắc khổ, rộc đi vì trải qua 2 tuần chờ đợi. “Chờ đợi mà không có thời hạn, nó là chán chường nhất trần đời. Tụi tui phải ráng chịu thôi, không có cách nào khác” - anh Thịnh ngao ngán.
Bữa trưa của những tài xế đường dài đang mỏi mòn chờ ngày được thông quan
Để nắng đỡ xiên trực diện vào khoang ghế lái, anh Thịnh lấy chiếc mền che kín mít, nhìn từ xa, hệt như một chiếc bạt dã chiến. Bên gương chiếu hậu, mấy chiếc mắc quần áo treo tòn ten, ngoặc lên cần gương.
Xung quanh thân xe, những túi nilon ngoặc lủng liểng; thùng nước, xoong nồi để khoảng nối rơ-mooc của thùng công và đầu kéo; bếp ga du lịch kẹp giữa hai làn bánh to khổng lồ. Mấy chiếc xô nhựa đựng nước, bên trong là đám bát đũa cáu cạnh chưa buồn rửa.
Tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra bên cạnh xe hàng
Nhìn sang xung quanh, cảnh tượng tương tự ở hầu hết những xe container khác đang chung cảnh ngộ: buộc lưu trú ở khu bãi Xuân Cương, ngay gần trạm kiểm soát Dốc Quýt, huyện Cao Lộc - cách cửa khẩu Hữu Nghị chừng 5km.
Bãi đỗ xe Xuân Cương tổng diện tích 25ha, đang trong giai đoạn san ủi làm mặt bằng. Nó nguyên là một quả đồi đất, phần cao - chủ đầu tư san gạt, hạ cốt lấy đất lấp những chỗ thấp. Công trường vẫn đang bộn bề, xe cẩu, máy xúc ngổn ngang; đường đất bụi mù mịt mỗi khi có một chiếc xe container chở nặng hàng hóa trèo lên dốc tìm chỗ đỗ.
Phân theo các khu vực cao, thấp, những dãy xe công xếp san sát nhau như trẻ con xếp đồ chơi, nối tiếp nhau trông ngợp mắt.
Những hình ảnh không hiếm gặp bên trong bãi đỗ gần 5.000 xe công đang ùn ứ hơn nửa tháng qua
Cánh tài xế, phụ xe đường dài cả chục ngày bó gối, ngáp ngắn ngáp dài giết thời gian. Tất cả mấy ngàn chiếc xe cùng nổ máy để giữ máy lạnh bảo quản hàng tạo thành dàn hợp âm nhức tai bởi tiếng máy gầm gừ, thi thoảng lại gằn lên như thở hắt ra.
Anh Thịnh nói: một ngày chủ xe bao ăn 400 ngàn đồng/người, tiền xăng dầu xe tính riêng; tiền bến bãi lưu trú… chủ xe đều chịu. Nhưng, sốt ruột nhất đó là hàng hóa sắp hết thời hạn bảo quản. Thêm một ngày, “tuổi thọ” của những công hàng càng rút ngắn.
"Chợ tạm" dựng ở bên trong bãi xe, là nguồn cung thực phẩm duy nhất cho cánh lái xe đường dài
Dịch vụ tắm giặt nhưng không phải tài xế nào cũng dám sử dụng
Những người đàn ông bất đắc dĩ đi chợ, vào bếp...
Tình trạng chưa biết đến này nào kết thúc, vì tất cả đều phụ thuộc vào phía nước bạn
Theo quy định, các tài xế đường dài Bắc Nam đều tiêm đủ 2 mũi ngừa vắc xin, test Covid-19 thường xuyên, đảm bảo âm tính mới được phép chạy xe, lưu thông. Tuy nhiên, hầu hết dân lái xe đường dài đều từ các tỉnh vùng dịch phía Nam đi ra, Lạng Sơn vẫn thắt chặt, yêu cầu không tự do đi lại vùng dân cư.
Chủ bãi xe đã tổ chức một khu vực bán hàng thiết yếu, gồm rau, thực phẩm, gạo nước mắm muối, nước lọc. Đây là nơi cung cấp thực phẩm duy nhất cho các tài xế.
Gần đến giờ trưa, anh Nguyễn Quốc Hùng chậm chạp nhảy ra khỏi ca bin cao ngất xuống mặt đất, thất thểu đi ra khu “chợ” tạm. Một bó rau, cột miếng thịt nhỏ, cơm, nước uống… tất cả đều đun bằng chiếc bếp ga du lịch.
Hứng nước cục lạnh để làm nước rửa chén bát...
Vạ vật chờ đợi qua ngày...
Đó là tình cảnh của gần 1 vạn lái - phụ xe đường dài đang bị chôn chân nơi cửa ngõ biên giới vì chưa được thông quan
“Cơm xó mó niêu, cực lắm nhưng ráng chịu. Ai tiêu hoang thì có dịch vụ tắm nóng lạnh, dịch vụ giặt là 30 ngàn đồng/lượt. Ai tiết kiệm thì đi lên khu đồi cách đó gần 1km, vẫn trong khuôn viên bãi để xe, có nhà vệ sinh, tắm giặt chung, nhưng rất mất vệ sinh.
“Hàng ngàn người xếp hàng đợi nhau. Có lần đi vệ sinh, tôi phải xếp hàng cả giờ đồng hồ mới tới lượt, mắc mệt lắm. Về đêm, nhiệt độ xuống thấp, nước lạnh buốt muốn xỉu” - anh Hùng than phiền.
Trong bãi đỗ xe tạm rộng mênh mông ngay sát cửa khẩu Hữu Nghị, ngoài mấy chị bán rau ở khu vực “chợ tạm” là những phụ nữ duy nhất có mặt, còn lại là hàng ngàn chiếc công đang ních đầy thùng những mít, thanh long… sắp hết hạn bảo quản, và gấp đôi số đó là những phụ - tài xế xe đường dài đang héo rũ vì chờ đợi mỏi mòn ngày thông quan.
Chờ đợi họ là cả một chặng đường dài dặc hàng ngàn km, và nỗi lo lắng buộc phải quay đầu, cùng những công hàng nặng trĩu trái cây chờ thối rữa...