Người dân châu Âu lại hoảng loạn tích trữ đồ như thời Covid-19

20/03/2022 18:10

Hai năm kể từ đợt khan hiếm hàng hoá vì đại dịch Covid-19, căng thẳng Nga – Ukraine một lần nữa kích hoạt làn sóng tích trữ đồ trong hoảng loạn ở nhiều nơi tại châu Âu.

Ở miền bắc Italia, các siêu thị đã hết sạch mì pasta trên các kệ hàng. Các hiệu thuốc ở Na Uy cũng đã bán hết thuốc Iodine. Còn ở Đức, các tập đoàn thương mại đều cảnh báo tình trạng mua hàng trong hoảng loạn. 

Hai năm sau khi đại dịch Covid-19 khiến hàng hoá thiếu hụt buộc người dân phải đổ xô tích trữ giấy vệ sinh, căng thẳng Nga – Ukraine vừa gây ra làn sóng tích trữ mới ở nhiều nơi tại châu Âu. 

Sabrina Di Leto, 50 tuổi, đến từ Lecco, phía bắc Milan, cho biết: “Tôi mua 20 gói mì pasta và vài kg bột mì vào tuần trước để chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt hàng hoá. Chúng tôi cũng đang xem xét biến sân sau thành một vườn rau và chuồng gà để tự cung từ cấp trong trường hợp chiến tranh lan rộng và nguồn cung thực phẩm trở nên khan hiếm”.

Những người từng chứng kiến sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trước tác động của đại dịch Covid-19 nay đang điên cuồng tích trữ hàng hoá vì lo ngại nguy cơ chiến tranh lạnh cũng như thiếu hụt hàng hoá từ Ukraine. 

tich-tru-hang-2-jpeg-164776268-3172-6642

Người dân ở nhiều nơi tại Châu Âu đang mua tích trữ hàng hoá trong hoảng loạn vì sợ thiếu hụt hàng hoá. Ảnh: Bloomberg

Ukraine và Nga là hai nước cung cấp lúa mì, hạt hướng dương, hạt cải, hạt lanh và đậu tương dùng làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi. Một nửa nguồn cung dầu hướng dương là đến từ Ukraine và 21% đến từ Nga. 

Gần 90% hạt lanh chế biến ở châu Âu là hàng nhập khẩu, theo Hiệp hội Chế biến hạt có dầu. Căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine được cho là có thể gây ra tình trạng thiếu hụt dầu ăn và thức ăn chăn nuôi, mặt hàng rất khó thay thế trong ngắn hạn.

Giá bánh mì, mì pasta và thịt đang tăng ở Italia, quốc gia nhập khẩu phần lớn lúa mì từ Đông Âu và 80% dầu hướng dương, một lượng lớn ngô để làm thức ăn gia súc từ Ukraine.

Một ổ bánh mì hiện có giá tới 8 euro/kg ở Milan. Theo tổ chức thương mại nông nghiệp quốc gia của Italia, Coldiretti, mặt hàng này đáng lẽ có giá trung bình chỉ 4,25 euro. 

“Thật nực cười khi bánh mì, thứ vốn là thức ăn của người nghèo, giờ lại trở thành một xa xỉ phẩm”, Di Leto phàn nàn và cho biết cô đã dự trữ bột mì để tự làm bánh, tiết kiệm tiền.

Trong khi đó, các cửa hàng tạp hoá của Đức buộc phải phân chia dầu ăn để bán theo suất để ngăn chặn tình trạng mua tích trữ như đợt đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Siêu thị, nơi thường có đầy đủ hàng hoá, thì nay các kệ hàng bột mì và dầu ăn cũng trống trơn. “Hãy thể hiện tinh thần đoàn kết và nghĩ đến những người hàng xóm của bạn – tránh tích trữ hàng hoá một cách không cần thiết”, một bảng hiệu bên ngoài siêu thị Penny ở Frankfurt ghi. 

Lieselotte, 85 tuổi, cho biết bà chỉ được phép mua một chai dầu hướng dương. Từng trải qua thế chiến thứ 2, bà cho hay bản thân đã được chuẩn bị tinh thần tốt hơn giới trẻ để chấp nhận tình trạng thiếu thốn hàng hoá. 

Tình trạng mua hàng trong hoảng loạn có vẻ khác biệt hơn ở Bắc Âu, nơi gần với khu vực giao tranh ở nhà máy hạt nhân Chernobyl của Ukraine. Ở Na Uy, người dân tranh nhau mua thuốc iodine được sử dụng để chống lại ảnh hưởng của bức xạ. Theo truyền thông địa phương, hơn 1,7 triệu viên đã được tiêu thụ trong những tuần gần đây và các hiệu thuốc sẽ không còn hàng cho đến tháng sau. 

Tuy nhiên, làn sóng tích trữ hàng hoá trong hoảng loạn không diễn ra ở toàn bộ châu Âu. Nhà bán lẻ Carrefour, với hoạt động chủ yếu ở Pháp, Tây Ban Nha và Italia, cho biết họ không bị thiếu hụt nguồn hàng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

“Có một số người mua dự trữ đồ ở Pháp, ở Tây Ban Nha thì nhiều hơn. Chúng tôi đã bán hết dầu hướng dương ở một số nơi. Song, nhìn chung, hành vi mua hàng tích trữ vẫn ít và thị trường đang hoạt động khá bình thường”, Carrefour nói. 

Thiếu hụt nguồn cung hàng hoá nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến các nước nghèo đang phụ thuộc vào lúa mì từ Ukraine và Nga. Jan Egeland thuộc Uỷ ban người tị nạn Na Uy, cảnh báo Somalia nhập khẩu 90% lúa mì từ Nga và Ukraine. “Trong bối cảnh giá lúa mì lên cao và hạn hán ngày càng tồi tệ, số lượng người không có cái ăn sẽ tăng mạnh”, ông viết trên Twitter. 

Các nước nhập khẩu ngũ cốc ở Trung Đông cũng dự đoán ngân sách sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ở những nơi như Ai Cập, nước trợ cấp bánh mì cho 70 triệu người. Các kệ để bột mì cũng trống trợ ở Lebanon và Tunisia, trong khi người dân cáo buộc chủ các cửa hàng cố tình găm hàng để sau bán giá cao. 

Các siêu thị ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các hộ gia đình đang phải vật lộn với lạm phát cao, cũng hết dầu hướng dương sau khi truyền thông liên tục cảnh báo đất nước có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt mặt hàng này. 

Tại Tây Ban Nha, một quan chức đề nghị thay vì mua dầu hướng dương trong hoảng loạn, người dân nên sử dụng dầu ô liu, một sản phẩm mà đất nước này đã xuất khẩu trong hơn hai thiên niên kỷ qua. Luis Planas, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha, cũng khẳng định: “Dầu hướng dương không thực sự là vấn đề vì chúng tôi có các chất béo thực vật khác thay thế và chúng tôi có dầu ô liu”. Ông cho biết giá cổ phiếu của một số nhà sản xuất dầu ô liu đã tăng hơn 20% trong vài tuần gần đây. 

Một bên hưởng lợi khác, mà một số nhà phê bình nghi ngờ đang hưởng lợi một cách không công bằng, có thể là các nhà cung cấp xăng dầu. Tuần này, Đức cảnh báo họ sẽ theo dõi các nhà cung cấp về hành vi nâng giá cơ hội khi giá dầu thô giảm nhưng giá xăng dầu vẫn cao, ở 2,26 euro/lít so với 1,81 euro trước khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Đối với người dân ở Đức như Monika, 75 tuổi, tình hình hiện nay là một lời nhắc nhở cho mọi người rằng trong nền kinh tế toàn cầu, không ai có thể thoát khỏi hậu quả do chiến tranh gây ra. 

Bà nói: “Tất cả chúng ta đều phải trả giá cho những gì đang xảy ra ở Ukraine”.

Bạn đang đọc bài viết "Người dân châu Âu lại hoảng loạn tích trữ đồ như thời Covid-19" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).