Nguy cơ bán 'chui' đất đắp nền tuyến cao tốc Bắc – Nam

22/11/2021 09:10

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, trong đó có đến 8 dự án đầu tư công, 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Đến nay, đã có 10/11 dự án khởi công xây dựng và 8 dự án đã thi công.

Thời gian qua, Bộ TNMT đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có dự án đi qua triển khai việc cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án. UBND các tỉnh có Dự án cũng đã rà soát quy hoạch khoáng sản liên quan và yêu cầu Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công báo cáo nhu cầu vật liệu để đưa vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với những mỏ đủ điều kiện cấp phép. Đồng thời rà soát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã cấp phép còn thời hạn khai thác, đang hoạt động, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, khoảng cách vận chuyển để thực hiện các thủ tục nâng công suất khai thác theo cơ chế đặc thù.

Về nhu cầu vật liệu xây dựng, số liệu tổng hợp của Bộ GTVT cho thấy, chỉ tính riêng với 9/11 dự án thành phần đã được khởi công, tổng nhu cầu đất sét đắp nền đường cấp cho dự án đã lên đến gần 60 triệu m3 sau khi đã sử dụng khối lượng đất đắp nền đường tại chỗ. Trong các Dự án thành phần đang triển khai, thiếu với khối lượng lớn là Dự án Mai Sơn - QL45 đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa thiếu hơn 7,1 triệu m3; Dự án Cam Lộ - La Sơn đi qua Thừa Thiên - Huế thiếu 1,9 triệu m3; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua Bình Thuận thiếu 7,5 triệu m3; Dự án Phan Thiết - Dầu Giây đi qua tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai thiếu gần 4,5 triệu m3. Ngoài ra, các Dự án thành phần mới khởi công hoặc đang lập thiết kế bản vẽ thi công cũng thiếu nhiều nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay.

Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nhằm đáp ứng cung cấp vật liệu đất đắp nền đường cho các dự án trên, các địa phương đã quy hoạch 204 mỏ đất sét, trong đó đã cấp phép khai thác 77 mỏ cấp cho 76 tổ chức, cá nhân. Trong đó có, cấp cho Công ty TNHH hơn 52%; Công ty cổ phần chiếm hơn 38 %. Còn lại, số mỏ chưa đủ điều kiện khai thác vẫn còn đến 112 mỏ. Để bù trữ lượng cho các mỏ không đủ chất lượng, tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất bổ sung 12 mỏ, Bình Thuận đề xuất bổ sung 10 mỏ vào quy hoạch. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay đất san lấp nền thiếu hụt nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Trong khi đó việc quản lý giá bán loại vật liệu này đến các Dự án cao tốc Bắc - Nam cũng là vấn đề nóng khi Bộ TNMT xác định nhiều địa phương không công bố giá đất san lấp. Để khắc phục tình trạng này, một số tỉnh đã cùng Ban Quản lý dự án kiểm tra cụ thể từng mỏ cung cấp vật liệu và yêu cầu ký biên bản cam kết giữ giá vật liệu ổn định, không tăng giá bán trong suốt thời gian cung cấp vật liệu cho dự án.

Tuy vậy, phản hồi từ Bộ GTVT cùng các nhà thầu, đơn vị thi công cho thấy, dù có số lượng lớn mỏ khoáng sản được quy hoạch cung cấp cho dự án, song số mỏ chưa được cấp phép khai thác chính thức còn khá nhiều. Nhiều mỏ cũng chỉ mới cấp phép và còn đang thăm dò hoặc đã thăm dò nhưng chưa được cấp phép khai thác chính thức nên cần có thời gian giải quyết thủ tục để cấp phép khai thác. Trữ lượng các mỏ đã cấp phép vượt nhu cầu về đất đắp nền đường, nhưng công suất theo giấy phép khai thác thấp hoặc rất thấp, chỉ chiếm gần 65%.

Báo cáo với lãnh đạo Bộ GTVT vào ngày 10/11 vừa qua về tiến độ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, đại diện Liên danh Nhà thầu Vinaconex - Trung Chính cho biết: Nguồn cung cấp vật liệu đắp nền hiện rất khan hiếm và căng thẳng, không đáp ứng được nhu cầu của dự án. Trong thời gian thi công, nhà thầu đã chủ động làm việc với các chủ mỏ đất để thi công nền đường, nhưng các mỏ đất theo quy hoạch được chỉ ra trong hồ sơ thiết kế hiện chưa được cấp phép hoặc đã hết hạn khai thác. Lãnh đạo Tổng công ty Thăng Long cũng thông tin, quy hoạch gói thầu số 4 có 4 mỏ đất đắp nền nhưng chưa được cấp phép. Vì vậy nhà thầu đã phải làm việc với địa phương tìm kiếm nguồn cung cấp từ các mỏ đất khác.

Để kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp đất đắp nền đường cho dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, Bộ TNMT đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một loạt giải pháp. Trong đó cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để xử lý các hành vi vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác đối với các tổ chức, cá nhân không cung cấp vật liệu cho dự án. Ngoài ra cần tổ chức điều tra, đánh giá nguồn đất san lấp, đá xây dựng, cát san lấp với 4.000 km đường cao tốc còn lại làm cơ sở để Bộ GTVT chủ động về nguồn vật liệu khi lập nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, trước mắt cần tháo gỡ để các mỏ đã được quy hoạch cung cấp đủ đất đắp nền cho các dự án đoạn cao tốc Bắc - Nam đã triển khai đồng thời cần có sự chuẩn bị nguồn vật liệu cho 12 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng ngay trong giai đoạn 2021-2025.

Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ bán 'chui' đất đắp nền tuyến cao tốc Bắc – Nam" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).