Ngày 15/2, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo chính phủ liên bang sẽ chính thức cạn kiệt tiền mặt trong giai đoạn tháng 7-9/2022. Điều này có thể đưa tình trạng bế tắc về trần nợ lên mức đỉnh điểm ngay giữa kỳ nghỉ tháng 8 của các nhà lập pháp.
Dự đoán mới làm tăng áp lực lên Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội để đạt được một thỏa hiệp nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Mỹ vào mùa hè.
Hạn chót đến gần
CBO cảnh báo rằng thời điểm Bộ Tài chính mất khả năng trả lãi cho khoản nợ hơn 31.000 tỷ USD sẽ phụ thuộc vào dòng tiền ra và vào ngân sách chính phủ trong vài tháng tới.
Trong tuần này, phát biểu về thời điểm vượt trần nợ vào cuối mùa hè, Thượng nghị sĩ John Neely Kennedy nói: “Thời điểm này không còn xa nữa và đó là lý do để Tổng thống Biden ngồi lại với các đồng nghiệp của tôi trong Hạ viện để bàn về giải pháp”.
Khi các khoản thanh toán thuế đến hạn vào tháng 4, các nhà dự báo có thể thu hẹp khung thời gian chạm trần nợ hơn nữa.
Ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đạt được rất ít tiến bộ về các cuộc đàm phán trong tháng đầu tiên đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện dù đã gặp gỡ để thảo luận về giới hạn vay quốc gia.
Nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đang yêu cầu chính phủ mạnh tay cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc dỡ bỏ trần nợ, song Tổng thống Biden từ chối sử dụng trần nợ như một con bài thương lượng.
Mỹ càng tiến gần đến điểm vỡ nợ, các nhà đầu tư Phố Wall càng trở nên lo lắng hơn và có khả năng gây tổn hại cho thị trường chứng khoán trong mùa hè.
Một rủi ro khác là Mỹ có thể bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nếu các cuộc đàm phán giữa các bên kéo dài quá lâu, như đã xảy ra trong các cuộc đàm phán để nâng trần nợ năm 2011. Điều này có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Jon Tester (D-Mont.) cho biết: “Nếu bạn loay hoay với cuộc đàm phán, bạn sẽ thấy lãi suất tiếp tục tăng và nếu bạn thực sự vỡ nợ, bạn sẽ rơi vào suy thoái.”
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen từng cho biết chính phủ có thể tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ít nhất là đến đầu tháng 6. Đây là một ước tính thận trọng nhằm thúc giục các chính trị gia hành động trước khi tình trạng bế tắc gây nguy hiểm cho xếp hạng tín dụng quốc gia, hoặc đưa đến một hậu quả tồi tệ hơn.
Nút thắt và người cởi dây
Vấn đề phức tạp là đảng Cộng hòa thậm chí không thống nhất về các lĩnh vực muốn cắt giảm chi tiêu. Một số người muốn giới hạn chi tiêu tương tự như những gì Quốc hội đã áp đặt hơn một thập kỷ trước, khi đảng Cộng hòa đối đầu với chính quyền của Tổng thống Brack Obama về trần nợ.
Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa vẫn chia rẽ về các câu hỏi khác, chẳng hạn như liệu có nên cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc hay không.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz nhấn mạnh đảng này cần đoàn kết 222 đảng viên ở Hạ viện và đưa ra một chiến lược thống nhất.
Trong khi đó, các đảng viên Dân chủ đang thúc đẩy đang Cộng hòa đưa ra những chi tiết trong đề xuất cắt giảm chi tiêu, đồng thời nhấn mạnh rằng phe Cộng hòa tại Hạ viện không có đủ sự ủng hộ từ bên trong để thống nhất một kế hoạch, chứ đừng nói đến việc khiến Thượng viện và Nhà Trắng do đảng Dân chủ lãnh đạo chấp thuận bất kỳ nhượng bộ chi tiêu nào.
Tổng thống Biden vừa bổ nhiệm bà Lael Brainard vào Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong tuần này. Bà sẽ thay mặt Nhà Trắng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hướng cuộc đàm phán về trần nợ. Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đang hy vọng bà sẽ có thể giúp họ phá vỡ thế bế tắc trước các đồng nghiệp Cộng hòa.
Chủ tịch Ủy Tài chính Thượng viện Ron Wyden nhận định bà Brainard hội tụ những kinh nghiệm trên chính trường cũng như kiến thức về chính sách.
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà lập pháp đảng Cộng hòa vẫn tỏ ra hoài nghi về quyết định bổ nhiệm của ông Biden. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, ông Patrick McHenry đánh giá việc bổ nhiệm bà Brainard là "sai lầm" trong khi các đảng viên Cộng hòa khác tỏ ra nghi ngờ về năng lực của bà.
Ông Kennedy nói: “Bà Brainard có vẻ là một người khá tốt, song tôi không cho rằng bà ấy hiểu kinh tế học vĩ mô lẫn vi mô.”