Xây dựng kịch bản ứng phó với mọi tình huống dịch
Các chuyên gia cảnh báo việc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong thời gian tới virus này có khả năng tiếp tục tiến hóa theo hướng làm giảm miễn dịch qua thời gian, dẫn đến tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.12.1... của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của các biến thể phụ để chủ động có các biện pháp xử lí kịp thời.
Tại Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến 22/7, Hà Nội có 1.562.760 ca mắc, 480 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội từ đầu năm đến nay đã tiến hành giải trình tự gene gần 300 mẫu bệnh phẩm dương tính tại cộng đồng. Trong đó, biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế, được phát hiện tại 30/30 quận huyện; còn lại tỷ lệ nhỏ nhiễm biến thể Delta. Đối với biến thể Omicron, dòng BA.2 chiếm ưu thế với tỉ lệ hơn 56,6%; BA.2.3 chiếm hơn 30%... CDC Hà Nội nhận định dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát, số mắc trong tuần tiếp tục giảm so với tuần trước. Dự báo, số ca mắc COVID-19 trung bình sẽ duy trì ở mức dưới 200 ca/ngày trong thời gian tới. CDC Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục triển khai gửi mẫu giải trình tự gene để giám sát sự lưu hành của các biến thể SARS-CoV2 tại Hà Nội.
Bệnh nhân COVID-19 nặng đang tăng Ảnh: Hà Minh
Trước tình hình dịch hiện nay, ngoài việc tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ mới, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch. Đến nay, tiêm vắc xin COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ chỉ đạo tăng cường việc khám sàng lọc các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, giám sát các trường hợp nhập viện, ca bệnh nặng, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong, thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm hoặc chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Theo thông báo của Bộ Y tế tính đến hết ngày 30/7, Việt Nam đã tiêm được hơn 245 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó có gần 47,9 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), tương đương 72%. Gần 9,4 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), đạt 50,2%. Bộ Y tế cũng chỉ rõ 5 tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 4 thấp gồm: Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắk và Phú Yên có tỉ lệ từ 19-26%. Trong khi đó, nhiều tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 4 cao từ 96-98% như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Kiên Giang.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
Giải trình tự gene để xác định các chủng virus cúm đang lưu hành
Bộ Y tế cho biết hằng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc virus cúm mùa số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây cho thấy số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, gần đây số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A, không phải chủng có độc lực cao, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8, A/H7N9...
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, trong đó chú trọng đến cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.
Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, triển khai xử lí các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh nhiễm virus cúm tại cộng đồng, và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Đảm bảo công tác thu dung, cách li, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc virus cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo triển khai thực hiện lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gene để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.