Nhận diện khó khăn pháp lý giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển

27/12/2022 11:10

Trong thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước đã chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển" mới đây, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra các vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp hiện nay. 

Cụ thể, theo bà Thảo, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu và làm việc với nhiều doanh nghiệp, đại diện CIEM cho rằng doanh nghiệp còn khó khăn trên nhiều phương diện.

Như trong năm 2020 - 2021, Chính phủ đã rất khẩn trương đưa ra nhiều gói an sinh, hỗ trợ giảm, hoãn giãn nợ, thuế… Trong giai đoạn này, để được hưởng hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục tốn nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn. Bản thân cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra chính sách trong điều kiện chưa có tiền lệ nên đôi khi xảy ra lúng túng trong việc thực hiện. 

Sang năm 2022, Chính phủ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bà Thảo cho biết, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào nhiều chương trình này. Trong đó, doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách giảm thuế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện doanh nghiệp gặp khó trong việc điều chỉnh in hoá đơn điện tử cũng như xác định mặt hàng nào được giảm thuế… Điều này gây tâm lý e ngại khi kiểm tra, thanh tra về thuế. 

cong-nhan-1671805072.jpg Nhận diện khó khăn pháp lý để giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, bà Thảo nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt còn khá thụ động trong quá trình các bộ, ngành xin ý kiến để hoàn thiện các dự thảo trước khi trình ban hành, thậm chí có tâm lý sợ bị “soi” đến doanh nghiệp mình nếu đóng góp ý kiến xây dựng.  Do đó, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong quá trình cùng Nhà nước xây dựng các chính sách

Đánh giá về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho hay, riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản. Điều đó thể hiện rất lớn quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực của xã hội.

Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn. Từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, khó khăn, vướng mắc được nêu tại Diễn đàn để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả.

Cùng đó, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ động nhận diện, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.
 

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện khó khăn pháp lý giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).