Tòa soạn xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 14/5/2021.
Tích lũy trong vùng 1.250 -1.280 điểm
(CTCK BIDV – BSC)
Chốt phiên giao dịch 13/5, VN-Index giảm 7,10 điểm, đóng cửa 1.261,99. HNX-Index +4,70 điểm, đóng cửa 287,03.
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu TCB (+1,49); NVL (+1,38); VPB (+0,72); EIB (+0,54); SAB (+0,43)… là những mã níu kéo đà rơi của chỉ số. Ngược lại, những cổ phiếu như VIC (-2,97); TCB (-1,17); HPG (-1,06); VNM(-0,72); VHM (-0,62)… là những mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường.
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 20.290 tỷ đồng, +4,8% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 21.627 tỷ đồng. Biên độ dao động là 11,50 điểm. Thị trường có 163 mã tăng, 43 mã tham chiếu và 254 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -1.154,10 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm CTG (-397,57 tỷ), HPG (-230,33 tỷ) và NVL (-129,61 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -7,17 tỷ đồng.
Theo BSC, thị trường điều chỉnh trong phiên giao dịch hôm nay. Dòng tiền đầu tư suy yếu khi chỉ có 3/19 nhóm ngành tăng điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản tăng nhẹ cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn trong thị trường. VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong vùng 1.250 -1.280 điểm trong các phiên giao dịch tới.
Hình minh họa |
Dao động theo hướng đi ngang
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Áp lực giảm điểm về cuối phiên khi tiếp cận vùng kháng cự quanh 1.275 điểm của Vn-Index có thể khiến cho chỉ số lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm trong phiên cuối tuần. Về tổng thể, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng, thị trường sẽ hình thành kênh giá dao động theo hướng đi ngang để tạo nền giá mới trên mốc 1.200-1.220 điểm trong ngắn hạn. Vùng 1.275-1.285 điểm vẫn là vùng cản mạnh mà chỉ số cần phải vượt qua nếu muốn xác lại lại xu thế tăng điểm trong thời gian tới.
Chiến lược đầu tư: Duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân tăng nhẹ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục khi chỉ số kiểm định vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm.
Rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao
(CTCK Yuanta Việt Nam – FSC)
Thị trường có thể sẽ điều chỉnh về lại ngưỡng hỗ trợ 1.245 điểm của chỉ số VN-Index (tức là đường trung bình 20 ngày). Đồng thời, chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao và dòng tiền đang suy yếu cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn vẫn rất khó khăn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn đang trong vùng bi quan cho thấy chiến lược giai đoạn này là nắm giữ tỷ trọng thấp.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp do rủi ro của thị trường vẫn ở mức cao.
Tiếp tục giằng co và rung lắc
(CTCK Sài Gòn – Hà Nội - SHS)
Thị trường vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giằng co và rung lắc trong phiên hôm nay khi mà áp lực bán về cuối phiên đã làm VN-Index điều chỉnh. Thanh khoản có sự gia tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán gia tăng là không thực mạnh. Diễn biến trong phiên cuối tuần có thể gợi ý cho xu hướng trong tuần tới.
Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục biến động trong khoảng giá 1.250-1.286 điểm tương ứng với vùng đỉnh tháng 4/2021 nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh a.
Trong phiên giao dịch cuối tuần 14/5, thị trường có thể tiếp tục giằng co và rung lắc. Nhà đầu tư trung hạn mua vào trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời khi thị trường vượt ngưỡng 1.250 điểm trong giai đoạn trước nên đứng ngoài quan sát thị trường. Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục và trailing stop theo đường trung bình 20 ngày đã bán ra cũng nên đứng ngoài và tiếp tục quan sát.
Ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng
(CTCK MB – MBS)
Thị trường chứng khoán trong nước hôm nay đã không thể lặp lại kịch bản ngược dòng thế giới như phiên hôm qua. Áp lực bán diễn ra kể từ khi mở cửa, tuy nhiên nhịp giảm cuối phiên là đáng chú ý. Gây áp lực lên thị trường là nhóm VN30 và khối ngoại bán ròng mạnh. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 7,10 điểm xuống 1.261,99 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 9,99 điểm còn 1.370,18 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 163 mã tăng/254 mã giảm, ở rổ VN30 có 7 mã tăng, 23 mã giảm.
Thanh khoản phiên hôm nay tăng nhẹ, trái ngược với mức giảm ở các chỉ số. Giá trị khớp lệnh đạt 20.290 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 1.170 tỷ đồng.
Thị trường trong nước giảm hôm nay không khó dự đoán sau khi thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đóng cửa, tuy nhiên điều tích cực là cường độ giảm thì lại nhẹ hơn dự kiến rất nhiều. Điều tích cực lúc này là thị trường vẫn lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy giúp hãm đà rơi của chỉ số, tuy nhiên thị trường có thể vẫn còn chịu tác động bởi diễn biến xấu đi của thị trường chứng khoán thế giới. Do vậy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.