Tòa soạn xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 02/6/2021.
Giằng co ngắn hạn trong khu vực 1.330-1.345 điểm
(CTCK BIDV – BSC)
Chốt phiên 01/6, VN-Index tăng 9,73 điểm, lên mức 1.337,78 điểm; HNX-Index tăng 0,62 điểm, đóng cửa tại 318,47 điểm.
Kéo chỉ số tăng trong phiên hôm nay gồm có các mã VCB (+5,32); HPG (+2,61); VIC (+2,31); VHM (+1,24); VIB (+0,87). Ngược lại, kéo chỉ số giảm gồm có: MSN (-0,95); BID (-0,74); STB (-0,65); TCB (-0,56); VJC (-0,53).
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 20.995 tỷ đồng, -11,98% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 21.762 tỷ đồng. Biên độ dao động là 17,5 điểm. Thị trường có 169 mã tăng, 37 mã tham chiếu và 244 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -588,53 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (-549,5 tỷ), STB (-77,8 tỷ) và VCB (-68,9 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -34,91 tỷ đồng.
Theo BSC, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên hôm nay và hiện đã vượt lên trên ngưỡng 1.235 điểm. Dòng tiền đầu tư không thay đổi nhiều với 9/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể có sự giằng co ngắn hạn trong khu vực 1.330-1.345 điểm trong những phiên tới.
Hình minh họa |
Thử thách ngưỡng 1.350 điểm
(CTCK MB - MBS)
Thị trường trong nước khởi đầu tháng 6 đầy ấn tượng với phiên giao dịch sôi động buổi sáng và thành khoản cũng lập kỷ lục mới, phiên chiều hệ thống ngừng giao dịch trên sàn HSX, dòng tiền lập tức chảy sang sàn HNX và Upcom. Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 9,73 điểm lên 1.337,78 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 8,14 điểm lên 1.482,92 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 170 mã tăng/243 mã giảm, ở rổ VN30 có 15 mã tăng và 15 mã giảm.
Thanh khoản phiên hôm nay lập kỷ lục trong phiên sáng, giá trị khớp lệnh sàn HSX được đẩy lên trên 20 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường với tổng giá trị hơn 591 tỷ đồng.
Theo MBS, dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ và cũng giống phiên hôm qua, nhịp võng sau giờ mở cửa đã bị dòng tiền khổng lồ cuốn đi. Theo CNBC, Việt Nam là thị trường chứng khoán tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tháng 5 với VN-Index tăng 7,15%. Thị trường Việt Nam tăng bất chấp tình hình Covid-19 gần đây có chiều hướng xấu, với số ca nhiễm mới tăng. Ở phiên này, trước khi sàn HSX ngừng giao dịch trong phiên chiều, thị trường đã có sự đổi trụ khá thành công với sự trở lại của nhóm cổ phiếu Vingroup và VCB, trong khi HPG vẫn rất mạnh. Tiếp tục giữ nguyên quan điểm thử thách đối với thị trường trong những phiên tới là ngưỡng 1.350 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.300 điểm.
Thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh
(CTCK Yuanta Việt Nam – FSC)
Thanh khoản ở mức cao đã khiến giao dịch trên HOSE gặp sự cố và chỉ số hoạt động được trong phiên sáng. Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp đóng cửa phiên tăng 0,73% dừng tại 1.337,78 điểm. Chỉ số HNX-Index cùng chiều tăng 0,2% đóng cửa tại 318,47 điểm; Chỉ số Upcom-Index tăng 0,11%. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 27.200 tỷ đồng.
Chỉ số VN30-Index tăng 0,55% yếu hơn chỉ số chính và đi kèm với trình trạng phân hoá. Mặc dù vậy, đà tăng vẫn giữ vừng nhờ lực cầu mạnh tại các bluechips như HPG (+5,3%), VCB (+5,2%), VRE (+4,4%), FPT (+3,3%), POW (+3%)… đóng vai trò dẫn dắt. Ở chiều ngược lại, MWG, MSN, REE, STB, VJC dẫn đầu ở chiều giảm.
Nhóm Mid-Cap và Penny ghi nhận áp lực chốt lời mạnh như HCM, HSG, TSC, FIT… điều chỉnh trở lại. Ngược lại, VIX (+5,7%), PVD (+2,8%), HBC (+6,8%) có mức tăng mạnh hôm nay.
Khối ngoại bán ròng 595 tỷ đồng trong phiên. Lượng bán ròng tập trung tại HPG (555 tỷ), STB (78 tỷ), VCB (68 tỷ). Ở chiều ngược lại, TPB (77 tỷ), VHM (73 tỷ), VRE (46 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng.
FSC cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên và nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng ngắn hạn. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên chúng tôi đánh giá thị trường có thể nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh trong phiên. Tuy vậy, chỉ báo tâm lý vẫn trong vùng bi quan cho nên chiến lược ngắn hạn vẫn nên thận trọng và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu trong khoảng 40 – 45% và hạn chế sử dụng đòn bẩy cao trong giai đoạn này.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.