Thị trường tiếp tục giảm xuống vùng 1.220-1.235 điểm
(CTCK BIDV – BSC)
VN-Index giảm điểm từ lúc mở cửa phiên sáng. Bất chấp những nỗ lực của bên mua, chỉ số vẫn đi xuống và thậm chí còn rơi mạnh hơn trong phiên chiều. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.243,17, giảm 34,23 điểm (tương đương 2,68%) so với phiên hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 18/19 ngành giảm điểm. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng nhẹ trên sàn HNX.
Hôm nay chỉ số đã hoàn thành mẫu hình Vai – đầu – vai. Nếu trong những phiên sắp tới chỉ số không thể bật lên trên ngưỡng 1.250 điểm thì có thể sẽ tiếp tục giảm xuống vùng 1.220-1.235 điểm hoặc thậm chí xuống vùng 1.190-1.200 điểm.
Đứng ngoài quan sát thị trường
(CTCK Đông Á - DAS)
Thị trường giảm sâu về cuối phiên giao dịch, đa số các nhóm cổ phiếu đều chịu áp lực bán tháo, kéo theo chỉ số chung VN-Index có phiên mất điểm nhiều nhất trong hai tháng qua. Thanh khoản thị trường tăng cao nhưng theo chiều hướng tiêu cực khi các lệnh bán áp đảo lực mua bắt đáy. Sau nhiều phiên giằng co trước vùng kháng cự VN-Index 1.300 điểm, thị trường mất nền giá và phiên giảm hôm nay đưa bức tranh kỹ thuật VN-Index chuyển sang tiêu cực, khả năng khó hồi phục trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư theo chiến lược lướt sóng nên đứng ngoài quan sát thị trường, chờ đợi khu vực giá giao dịch cân bằng hơn. Đối với danh mục trung dài hạn, có thể theo dõi chờ cơ hội mua ở vùng giá thấp các nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, cổ phiếu ngành điện, và công nghệ.
Nhịp điều chỉnh dự báo sẽ tiếp tục
(CTCK Tân Việt - TVSI)
Với cây nến Marubozu đỏ đi kèm khối lượng tăng mạnh ngày hôm nay cho thấy xu hướng sideway ngắn hạn đang dần chuyển sang giảm điểm, nhất là khi chỉ số để mất mốc hỗ trợ hai tuần qua tại khu vực quanh 1.250 điểm.
Theo TVSI, đây là điều khó tránh khỏi bởi dòng tiền đầu cơ đã có tín hiệu chậm lại trong nhiều ngày qua và các tín hiệu giảm điểm với hầu hết đã ngày càng rõ rệt trong các phiên gần đây. Thông điệp về hạn mức tín dụng mới của NHNN với các Ngân hàng theo chúng tôi là thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường. Điều này sẽ gây khó cho các NH theo kịp kế hoạch lợi nhuận và cũng khiến nhiều doanh nghiệp khát vốn gặp khó khăn.
Nhịp điều chỉnh dự báo sẽ tiếp tục trong các phiên tới nhưng sẽ có các nhịp hồi phục nhanh trong phiên để nhà đầu tư có cơ hội giảm tỷ trọng cổ phiếu. TVSI tiếp tục duy trì quan điểm nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi cơ hội giải ngân khi về vùng an toàn.
VN-Index có xu hướng kiểm tra vùng 1.220 – 1.230 điểm
(CTCK Vietcombank – VCBS)
VN-Index đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ “mềm” 1.250 điểm và đang có xu hướng kiểm tra vùng 1.220 – 1.230 điểm. VCBS cho rằng, giai đoạn hiện tại vẫn khá "khó nhằn" với những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn nhưng lại là thời điểm thích hợp cho các nhà đầu tư dài hạn gia tăng tích lũy các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng với giá đang bị chiết khấu theo thị trường chung, trong đó một số nhóm ngành tiềm năng trong năm 2022 có thể là dầu khí, bất động sản, bán lẻ,...
VN-Index tiếp tục quán tính giảm điểm
(CTCK KB Việt Nam - KBSV)
VN-Index diễn biến giảm điểm giằng co trong phiên trước khi lao dốc mạnh về cuối phiên. Áp lực chốt lời gia tăng tại vùng giá cao cùng với lực cầu suy yếu khiến cho chỉ số đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 125x, tương ứng với MA100. Với việc hình thành mẫu hình vai đầu vai nhỏ cùng thanh khoản tăng đột biến, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tiếp theo và điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.220 điểm hoặc sâu hơn là 1.195 (+-10) điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
NĐT được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
VN-Index điều chỉnh về vùng 1.225-1.230 điểm
(CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
VN-Index sau nhiều phiên liên tiếp không vượt được vùng kháng cự 1.285 điểm, đã chịu áp lực bán mạnh đột biến khi lần lượt mất các vùng hỗ trợ 1.270, 1.260 và 1.250 điểm. Kết phiên VN-Index giảm mạnh -2,68% xuống mức 1.243,17 điêm với khối lượng giao dịch gia tăng đột biến hơn 48% so với phiên trước. Phiên giảm điểm này gần như lấy đi hầu hết thành quả tăng điểm của 04 tuần vừa qua.
Phiên giảm mạnh với khối lượng đột biến này dẫn đến VN-Index mất vùng hỗ trợ của kênh tăng trưởng ngắn hạn nối các vùng đáy 1.243-1.245 điểm ngày 07, 11/7/2022; 1.178,58 điểm ngày 27/7/2022 và 1.249,17 điểm giá thấp nhất ngày 29/08/2022. Như vậy xu hướng phục hồi tăng ngắn hạn này đang chấm dứt. Ngắn hạn VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.225-1.230 điểm và kỳ vọng trong những phiên đến VN-Index vẫn có phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự của trend_line này tương ứng vùng 1.255-1.265 điểm. Để các vị thế ngắn hạn tiếp tục cơ cấu danh mục nếu có.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. Tuy nhiên rủi ro ngắn hạn đang ở mức cao, nhất là sau khi áp dụng chu kỳ T+2, các vị thế lướt sau 5 vòng giao dịch T2 không mang lại nhiều lợi nhuận đã dẫn đến áp lực bán mạnh.
Vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Cơ cấu loại bỏ các mã yếu kém hơn so với thị trường chung khi thị trường hồi phục.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: Tìm hiểu chỉ số CIR, ý nghĩa và cách tính chỉ số
Trên thị trường chứng khoán, CIR là chỉ số quan trọng được nhiều nhà đầu tư sử dụng để phân tích, đánh giá ngành ngân ...