Ém thông tin dự án, chậm trễ giải quyết khiếu nại
Sau khi đăng tải bài viết “Quy Nhơn (Bình Định): Hé lộ hàng loạt góc khuất trong thu hồi đất làm dự án?”, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo liên tiếp nhận được phản ánh của bạn đọc là người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (THĐ, BT, HT, TĐC) ở thành phố Quy Nhơn.
Khảo sát cho thấy, một số dự án khu dân cư (KDC) có tỷ lệ đơn thư phản ánh, khiếu nại cao, gồm: KDC phía Tây đường Trần Nhân Tông (phường Nhơn Phú), KDC Đông viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Công trùng Quy Nhơn (phường Nhơn Phú), Khu TĐC phía Đông chùa Bình An (phường Nhơn Bình), Khu TĐC Đông núi Mồ Côi (phường Nhơn Phú). Trong số đó, đặc biệt phải kể tới dự án KDC khu vực núi Mồ Côi (phường Nhơn Phú).
Theo phản ánh, việc thu THĐ, BT, HT, TĐC tại dự án này có nhiều khuất tất, bất cập, không đảm bảo công khai, dân chủ, cụ thể là: Việc thu hồi đất không được thông báo trước theo luật định; Người dân không được biết về dự án và dự kiến thu hồi đất (quy mô, phạm vi dự án, phạm vi dự kiến lấy đất); Việc bố trí đất TĐC do chính quyền ấn định (bằng quyết định giao đất TĐC), người dân không biết ô đất đó ở đâu và cũng không có sự lựa chọn nào khác (trong khi dự kiến bố trí TĐC ở 3 nơi); Các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHTTĐC) không được niêm yết công khai; Việc thu hồi đất không diễn ra đồng loạt, mà thành từng nhóm hộ, kéo theo đó là việc san lấp từng phần làm cho những hộ chưa bị thu hồi hoặc đang có khiếu nại gặp khó khăn trong cuộc sống (bụi bặm, nhất là ngập nước vào mùa mưa), khiến cuộc sống bị đảo lộn, người dân như bị bao vây, bị dồn vào thế “buộc phải di dời”.
Cũng theo phản ánh và hồ sơ có được, việc giải quyết khiếu nại chủ yếu mang tính chất hình thức, đối phó, chưa chú trọng mục đích tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân; buổi đối thoại không được tổ chức đúng nghĩa theo quy định của khiếu nại hành chính, chủ yếu “mượn danh” tổ chức đối thoại để “thông báo kết quả xác minh” – tức là hoạt động 1 chiều, có tính áp đặt.
Tại cuộc đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại không được cung cấp cho người khiếu nại, không được thể hiện trong biên bản đối thoại,… “gây khó” cho người khiếu nại trong việc tiếp cận thông tin và phản biện.
Việc giải quyết khiếu nại bị chậm trễ, kéo dài, nhiều trường hợp bị kéo dài tới gần 12 tháng, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về thời hạn giải quyết khiếu nại.
Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định về thời hạn thông báo về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội: “1. Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.”
Điều 28, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về thời hạn giải quyết đơn khiếu nại:
“Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.”
Đối chiếu với quy định trên, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn đã vi phạm nghiêm trọng về thu hồi đất và thời hạn giải quyết khiếu nại. Từ đó, đa số các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn (do PCT - ông Nguyễn Công Vịnh ký), bị khiếu nại tiếp cả về thủ tục và nội dung, thậm chí có đơn thư được gửi tới cơ quan ở Trung ương.
Không miễn tiền SDĐ khi cấp đất TĐC?
Theo đơn thư phản ánh, việc áp dụng chính sách BTHTTĐC chỉ chú trọng tới việc bồi thường tương ứng về giá trị tài sản, kém chú trọng tới cách chính sách có tính chất hỗ trợ khi mà người dân mất đất, mất tư liệu sản xuất, phải di chuyển chỗ ở; Người dân không được miễn tiền sử dụng đất khi bố trí TĐC theo quy định; thiếu hỗ trợ TĐC.
Về vấn đề miễn tiền sử dụng đất, Khoản 4, Điều 11, Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về Quy định về tiền sử dụng đất, quy định: “Điều 11. Miễn tiền sử dụng đất...... 4. Miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”
Theo hồ sơ, Dự án KDC khu vực núi Mồ Côi nói riêng và nhiều dự án KDC ở Thành phố Quy Nhơn nói chung, người dân không được miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư theo quy định của Chính phủ.
Xét ở góc độ quyền về tài sản, khi người dân bị thu hồi đất - tức bị thu quyền sử dụng đất - một loại tài sản, thì Nhà nước có trách nhiệm phải bố trí đất TĐC cho họ - đương nhiên, họ phải được miễn tiền sử dụng đất đối với phần đất TĐC đó, đồng nghĩa với việc "miễn" là trách nhiệm của Nhà nước. Việc không miễn tiền sử dụng đất TĐC, vừa là vi phạm nghĩa vụ, vừa có biểu hiện "chiếm đoạt" tài sản của người dân.
Không tiền hỗ trợ TĐC, hỗ trợ di chuyển?
Theo phản ánh, Hội đồng bồi thường tại nhiều dự án chưa thực hiện hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định, gây thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất.
Vấn đề hỗ trợ tái định cư được quy định tại Khoản 1, Điều 22, và Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 22, Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định: “Điều 22. Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở
1. Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điều 27 của Nghị định này thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất”.
Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP: “Điều 27. Suất tái định cư tối thiểu: 1. Suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư.”
Như vậy, xuất hiện quyền được hỗ trợ thêm diện tích đất theo diện tích tái định cư tối thiểu của dự án bằng đất ở.
Theo tìm hiểu quy định của UBND Tỉnh Bình định về vấn đề này, diện tích đất ở tái định cư tối thiểu = 50% hạn mức giao đất ở của dự án. Đối với dự án Khu dân cư khu vực núi Mồ Côi, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, hạn mức giao đất là 140m2, như vậy diện tích suất tái định cư tối thiểu là 70m2, giá nộp tiền sử dụng đất trung bình của dự án là 6.000.000đ, như vậy Giá trị suất tái định cư tối thiểu của dựa án là 420.000.000đ (?).
Theo khảo sát, nhiều trường hợp gia đình chỉ nhận được 120.000.000đ tiền đền bù về đất ở, thấp hơn Giá trị suất tái định cư tối thiểu (420.000.000đ). Như vậy, phải chăng những trường hợp này chỉ phải đóng 120.000.000đ để nhận thêm phần hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở?
Vấn đề hỗ trợ di chuyển đối với trường hợp tự lo chỗ ở. Theo theo Khoản 2, Điều 38, Quyết định 04/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định thì: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư bằng 10% giá trị bồi thường đất ở”.
Trong bảng kê đền bù của nhiều hộ gia đình không thể hiện số tiền hỗ trợ 10% giá trị bồi thường đất ở này.
UBND tỉnh ngại công khai, minh bạch thông tin?
Ngày 07/9/2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản số 5989/UBND-TH V/v rà soát việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và giá đất áp dụng tính tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB phục vụ một số dự án trên địa bàn TP Quy Nhơn. Văn bản do ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng ký thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo văn bản số 5989/UBND-TH, Chủ tịch UBND tỉnh giao: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND thành phố Quy Nhơn và các đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và giá đất tính tiền bồi thường, hỗ trợ để GPMB một số dự án trên địa bàn thành phố Quy Nhơn (nhất là các dự án thực hiện bồi thường, GPMB kéo dài qua nhiều năm: từ năm 2018 đến nay, có phát sinh, vướng mắc, so bì, khiếu nại do điều chỉnh chính sách và đơn giá áp dụng bồi thường, hỗ trợ); thống nhất đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/9/2020 để xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Ngày 09/6/2021, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Bình Định để tìm hiểu rõ các nội dung:
1) Kết quả rà soát nội dung theo tinh thần của văn bản số 5989/UBND-TH ngày 7/9/2020 (đề nghị cung cấp văn bản về kết quả rà soát); tình hình thực hiện các kết quả rà soát (chỉ đạo thực hiện những đề nghị, kiến nghị trong báo cáo rà soát).
2) Suất TCĐ tối thiểu ở TP. Quy Nhơn là bao nhiêu mét?
3) Người dân thuộc diện được cấp đất TĐC có phải nộp tiền sử dụng đất không? (Đất TĐC, trong hạn mức giao đất, có phải nộp tiền sử dụng đất không?).
Ngày 22/6/2021, UBND tỉnh Bình Định ra văn bản số 3638/UBND-TH, theo đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin phản ánh, trả lời cho Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 10/7/2021.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tuấn Thanh – PCT Thường trực UBND tỉnh Bình Định (người ký bản số 3638/UBND-TH) xác nhận đang chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường hoàn thành văn bản cung cấp thông tin báo chí. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, đến nay, PV vẫn nhận được câu trả lời như trên từ vị PCT Thường trực UBND tỉnh Bình Định. Phải chăng, UBND tỉnh Bình Định đang né tránh trả lời các câu hỏi của báo chí?
Nhận thấy những dấu hiệu bất thường, có yếu tố vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bản thân người dân đã có đơn đề nghị cơ quan hữu quan ở địa phương và trung ương giải quyết.
Kính đề nghị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định; Hội đồng nhân dân tỉnh, Thanh tra Nhà nước tỉnh Bình Định quan tâm, giải quyết sự việc theo thẩm quyền, chức năng, để kịp thời giải quyết thỏa đáng những uẩn khúc của người dân bị thu hồi đất, tránh khiếu nại tố cáo kéo dài ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào tính nhân văn trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin sự việc.
Một lãnh đạo Tỉnh Bình Định từng phát biểu chỉ đạo: “Khi thu hồi đất, Nhà nước sẽ đền bù đủ để dân xây dựng 1 nhà mới. Nếu nhà hợp pháp từ trước đến giờ, đền bù mà không đủ để xây dựng lại, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Làm dự án không “úp úp, mở mở" với dân, đền bù phải đủ để dân xây nhà mới."
Tuy vậy, với những gì đang diễn ra, có nhiều căn cứ để cho rằng, việc bị thu hồi đất đối với người dân ở Bình Định đang là vấn đề xã hội lớn, như “bi kịch”. Với những vấn đề đang xảy ra (như phản ảnh trên), người bị thu hồi đất phải đối mặt với hệ quả cả về kinh tế, an sinh và xã hội nghiêm trọng, đó là: người dân vốn có THỬA ĐẤT nay chỉ còn LÔ ĐẤT, vốn CÓ NHÀ nay thành KHÔNG NHÀ do không đủ tiền xây nhà (vì phải nộp tiền sử dụng đất với mức cao hơn mức được bồi thường).
Nhiều người cho rằng, thà nhà nước không thu hồi thì họ còn có nhà cửa yên ổn, còn việc BTHT và bố trí TĐC như hiện nay không những không khiến cuộc sống tốt hơn, mà thậm chí còn cơ cực hơn, trái với chính sách nhân văn về TĐC.
Nguy cơ hơn, một số hộ dân vì không đủ tiền xây nhà TĐC nên phải vay mượn, cầm cố đất, khiến rơi vào những bẫy nợ, gia đình trước nguy cơ tan nát.