Xi măng Vissai tiếp tục tăng giá bán lần thứ 3 kể từ đầu năm 2022 đến nay |
Giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh, đẩy giá thành sản xuất xi măng tăng theo, nhiều doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán xi măng trong tháng 6/2022. Danh sách công bố tăng giá bán trong tháng 6, hiện đã có hơn 10 doanh nghiệp.
Đây là lần tăng giá lần thứ 3 kể từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý, trong lần tăng giá này, nhiều doanh nghiệp đã tăng giấ đến lần thứ 3, như Hoàng Mai, Vissai.
Mức tăng giá phổ biến trong đợt này vào khoảng 60.000 - 100.000 đồng/tấn, nhưng có những doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung tăng tới 140.000 tấn đối với chủng loại xi măng bao PCB 30, PCB40 dân dụng.
Công ty cổ phần Kinh doanh Xi măng miền Bắc thông báo tăng giá bán các sản phẩm Xi măng Norcem Yên Bình và Xi măng Norcem Mai Sơn sản xuất tại Yên Bình, tăng 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với các chủng loại xi măng bao, rời và bao jumbo từ ngày 10/6.
Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long cũng gửi thông báo đến các nhà phân phối về việc điều chỉnh giá bán xi măng từ ngày 15 - 20/6, giá dự kiến tăng từ 60.000 - 80.000 đồng/tấn đối với các chủng loại xi măng bao, rời, xi măng công trình dự án, xi măng jumbo.
Tập đoàn The Vissai thực hiện điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao và rời thêm 60.000 đồng/tấn từ ngày 25/6.
Trong khi giá thép quay đầu giảm thì hiện nay giá xi măng vẫn đang tăng mạnh. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, 5 tháng đầu năm 2022 đã tiêu thụ 11,9 triệu tấn xi măng, clinker, đạt 96,4%. Trong đó tiêu thụ nội địa gần 9,2 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ, xuất khẩu 1,56 triệu tấn, tăng 2%, doanh thu đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch và tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do giá đầu vào sản xuất xi măng, clinker tăng quá mạnh, doanh thu dù tăng do điều chỉnh tăng giá bán xi măng từ đầu năm, nhưng lợi nhuận 5 tháng giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo tính toán của Vicem, giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng khoảng 45% so với đầu năm 2022 đã kéo theo sự gia tăng của các chi phí cước vận tải và logistics.
Giá than nhập khẩu trong tháng 5/2022 có thời điểm tăng lên 490 USD/tấn, đồng thời nguồn cung khan hiếm. Cũng trong tháng 5, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có 2 lần tăng giá bán. Ngoài ra, giá than thương mại cao hơn giá than của TKV từ 700.000 đến 1.100.000 đồng/tấn.
Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem thừa nhận, dù giá bán xi măng đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa bù đắp được so với mức tăng của chi phí đầu vào, thực tế này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và thời gian tới, có thể doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.