Nhìn lại những siêu chu kỳ hàng hóa trong quá khứ

11/06/2021 14:47

Thế giới được cho là đã trải qua 4 siêu chu kỳ hàng hóa kể từ năm 1899.

Kể từ thời điểm Cách mạng Công nghiệp bùng nổ, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ cả về dân số lẫn nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên. Khi nhu cầu tiêu thụ càng cao và tiền bạc càng được đổ vào hàng hóa, giá mọi thứ từ năng lượng, đến nông sản, gia cầm và kim loại, thường đồng loạt tăng.

Các nhóm hàng hóa riêng lẻ thường có diễn biến giá khác nhau, nhưng khi được biểu diễn trên cùng một biểu đồ, chúng lại có sự tương đồng về xu hướng giá trong các khoảng thời gian dài. Đó được gọi là các siêu chu kỳ hàng hóa.

Giá hàng hóa thường trải qua hai thời kỳ, gồm tăng và giảm. Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng giai đoạn tăng giá trong các siêu chu kỳ là kết quả của việc nhu cầu hàng hóa tăng mạnh hơn trong khi nguồn cung chậm lại do một số vấn đề như xây dựng mỏ mới hay trồng vụ nông sản mới. Tới khi nguồn cung đầy đủ và luôn có sẵn, nhu cầu tăng chậm lại, chu kỳ sẽ bước vào giai đoạn giảm.

Siêu chu kỳ hàng hóa khác với sự gián đoạn nguồn cung trong tức thời ở chỗ xu hướng giá tăng hoặc giảm sẽ tồn tại trong một thời gian dài. Nhìn chung, quá trình công nghiệp hóa và thời kỳ tăng trưởng của một nền kinh tế lớn thường là động lực chính cho một siêu chu kỳ hàng hóa.

Theo phân tích của Bank of Canada dựa trên Chỉ số Giá hàng hóa, chỉ số thể hiện giá giao ngay hoặc giá giao dịch bằng USD của 26 hàng hóa được sản xuất ở Canada và bán ra thế giới, thế giới đã trải qua 4 siêu chu kỳ giá hàng hóa kể từ năm 1899.

Siêu chu kỳ thứ nhất

Siêu chu kỳ thứ nhất diễn ra trong giai đoạn 1899 – 1932, là thời điểm Mỹ bước vào quá trình công nghiệp hóa và thế giới trải qua Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2.

Cách mạng thứ hai này được đặc trưng bởi việc xây dựng hệ thống đường sắt và nhà máy sản xuất sắt thép quy mô lớn, đồng thời sử dụng máy móc trong sản xuất năng lượng hơi nước, điện báo, dầu mỏ và bắt đầu điện khí hóa.

Thời điểm siêu chu kỳ thứ nhất diễn ra là khi Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2 đã diễn ra được 29 năm. Lúc này, ngành công nghiệp dầu mỏ đã có những bước tiến nhất định về công nghệ thăm dò và khoan đào, dẫn tới nguồn cung dồi dào và giá xuống thấp vào cuối những năm 1900. Giá bắt đầu tăng mạnh khi thế giới chuẩn bị và trải qua Thế Chiến I.

Đồng thời, nhu cầu xây dựng đường sắt nói riêng và hạ tầng vận tải, sản xuất máy móc, vũ khí và xu hướng điện khí hóa thúc đẩy giá kim loại cơ bản lên cao vào đầu những năm 1900.

Giá cả các loại hàng hóa khác nhìn chung giảm trong phần lớn thời gian diễn ra siêu chu kỳ do năng suất sản xuất tăng mạnh.

Siêu chu kỳ thứ 2

Siêu chu kỳ thứ 2 diễn ra trong giai đoạn 1933 – 1961, thời điểm thế giới bắt đầu làn sóng tân trang vũ khí chuẩn bị cho Thế Chiến II và sự trỗi dậy của Đức Quốc xã.

Giá hàng hóa tăng liên tục trong 15 năm đầu tiên và đạt đỉnh vào giữa những năm 1940 và sau đó giảm liên tục trong 14 năm tiếp theo.

Cụ thể, giá dầu và giá kim loại cơ bản trong giai đoạn này giữ ở mức cao trong thời gian diễn ra chiến tranh vì nhu cầu sản xuất vũ khí và di chuyển tăng mạnh. Tuy nhiên, giá dầu giảm dần về cuối những năm 1960, trong khi giá kim loại tăng trở lại sau khi chiến tranh kết thúc, các cường quốc tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường sản xuất để tái thiết lại nền kinh tế.

Giá nông sản và gia súc gia cầm tăng ở đầu chu kỳ và đạt đỉnh vào cuối những năm 1940 trước khi chạm đáy vào đầu những năm 1960.

anh-png-9436-1623335520.png

Các siêu chu kỳ hàng hóa trong quá khứ. Ảnh: Visual Capitalist.

Siêu chu kỳ thứ 3

Siêu chu kỳ thứ 3 được “châm ngòi” bởi quá trình tái công nghiệp hóa ở châu Âu và Nhật Bản từ năm 1962 đến năm 1995.

Giai đoạn này, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh và bền vững sau Thế Chiến II. Tăng trưởng năng suất toàn cầu duy trì ở mức cao cho tới đầu những năm 1970 nhờ lĩnh vực sản xuất được hỗ trợ bởi công nghệ tự động hóa. Sản lượng hàng hóa tăng mạnh là lý do khiến giá nông sản, dầu thô và gia cầm giảm, trong khi đó nhu cầu tái thiết lại cơ sở vật chất và nền kinh tế sau chiến tranh lại đẩy giá kim loại cơ bản lên cao.

Siêu chu kỳ hàng hóa lần này ghi dấu ấn với cuộc khủng hoảng dầu trong giai đoạn 1973 - 1979. Tháng 10/1973, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Arab tuyên bố cấm vận dầu mỏ nhằm trừng phạt các quốc gia ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur. Đến khi lệnh cấm vận dầu mỏ được gỡ bỏ vào tháng 3/1974, giá dầu tăng gần 300%, từ 3 USD/thùng lên gần 12 USD trên toàn cầu.

Giá dầu tiếp tục lên cao trong những năm tiếp theo và đạt đỉnh vào đầu những năm 1980. Khi đó, cuộc Cách mạng Iran khiến sản lượng dầu giảm mạnh. Mặc dù nguồn cung dầu toàn cầu chỉ giảm khoảng 4%, song phản ứng của các thị trường dầu mỏ đã khiến giá dầu thô tăng mạnh trong 12 tháng tiếp theo, tăng hơn gấp đôi lên 39,5 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá từ năm 1980 trở đi bắt đầu giảm ổn định trong 20 năm tiếp theo, ngoại trừ một đợt tăng ngắn trong Chiến tranh vùng Vịnh, sau đó tiếp tục giảm 60% vào những năm 1990.

Trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng giá dầu, thị trường thép cũng trải qua thời kỳ hỗn loạn sau khoảng 10 năm tăng giá liên tiếp vào những năm 1960. Giá thép giảm dần từ năm 1973 tới cuối những năm 1990 do tình trạng dư thừa công suất.

Siêu chu kỳ thứ 4

Siêu chu kỳ thứ 4 bắt đầu từ năm 1996 đến năm 2015 nhờ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc nói riêng và khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) nói chung. Đợt bùng nổ hàng hóa này chủ yếu do nhu cầu tăng từ các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc từ năm 1992 đến năm 2013, cũng như như lo ngại về nguồn cung hàng hóa về dài hạn.

Với Trung Quốc, từ khoảng năm 2002, quốc gia này bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế vô cùng sôi động khi chính phủ triển khai một loạt dự án hạ tầng hiện đại và nâng cấp các thành phố trên quy mô lớn chưa từng thấy. Cũng từ đó, Trung Quốc nổi lên là “công xưởng” của thế giới và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Khi đó, các nhà cung cấp đã phải rất chật vật để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đang tăng mạnh. Vì họ không thể mở rộng công suất sản xuất trong một sớm một chiều nên trong hơn 10 năm sau đó, nguồn cung nguyên vật liệu như quặng sắt luôn trong tình trạng khan hiếm. Kết quả, giá đồng tăng vượt 10.000 USD/tấn sau khi giữ ở dưới 2.000 USD trong phần lớn thời gian của những năm 1990. Giá dầu thô cũng tăng từ 20 USD/thùng vọt lên 140 USD.

Siêu chu kỳ lần này cũng được hỗ trợ một phần bởi đà giảm giá ổn định của đồng USD. Đồng tiền này có xu hướng giảm kể từ khi bong bóng dot-com vỡ vào năm 2011 và chạm mức thấp kỷ lục khi giá dầu thô lên cao nhất mọi thời đại vào mùa hè năm 2008.

Đợt bùng nổ này của hàng hóa có dấu hiệu chậm lại khi cuộc đại khủng hoảng tài chính và khủng hoảng khu vực đồng euro làm chao đảo các thị trường vào năm 2008 và 2011. Mọi thứ dừng lại khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu “hạ nhiệt” vào năm 2015.

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn lại những siêu chu kỳ hàng hóa trong quá khứ" tại chuyên mục Giá cả. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).