Trong quý II/2022, LGL ghi nhận doanh thu của công ty đạt 11,5 tỷ đồng - giảm 74% so với cùng kỳ. Trong khi đó giá vốn cũng báo giảm 74% xuống còn 12,2 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp của LGL quý này ghi nhận âm 0,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động tài chính quý II của LGL có doanh thu gấp 2,4 lần quý II/2021, tương đương đạt 38 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính ghi nhận 17 tỷ đồng - gấp 13 lần; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 17% lên 14 tỷ đồng. Nhờ hoạt động tài chính “cầm cự” nên LGL đã chuyển từ lỗ sang lãi, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý này của LGL đạt 6,6 tỷ đồng - tăng 32% so với quý này năm trước.
Kết thúc quý II/2022, lãi ròng LGL đạt 2 tỷ đồng - giảm 56% so với quý II/2021. EPS chỉ còn ghi nhận 35 đồng/cổ phiếu.
Bán niên 2022, LGL đạt 64 tỷ đồng doanh thu thuần; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt gần 9 tỷ đồng và 4 tỷ đồng - tương đương giảm 18% và 35% so với bán niên 2021. EPS giảm còn 61 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ còn 55 tỷ đồng.
Trong năm 2022, LGL tham vọng sẽ mang về doanh thu 650 tỷ đồng và lãi ròng 70 tỷ đồng - tương đương tăng 8% và 40% kế hoạch năm 2021. Ngoài ra công ty dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6% và tăng vốn điều lệ lên 818,85 tỷ đồng. Tuy nhiên nửa năm trôi qua, LGL mới chỉ đạt được 10% kế hoạch doanh thu và 6% kế hoạch năm về lợi nhuận.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của LGL âm hơn 229 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ chỉ âm 73 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền hoạt động đầu tư lại ghi nhận dương 257 tỷ đồng - gấp 4 lần cùng kỳ; hoạt động tài chính đã tăng nhẹ nhưng vẫn âm 29 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền đến cuối kỳ tăng 35% lên hơn 17 tỷ đồng so với năm trước.
Tổng tài sản của LGL cuối quý II giảm 9% xuống còn 1.548 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm 15 lần so với đầu kỳ xuống chỉ còn gần 4 tỷ đồng.
Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/8 cổ phiếu LGL tăng 120 đồng lên mức 5.970 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 367.300 đơn vị.
Bị Cục Thuế Hà Nội công khai nợ thuế 55 tỷ đồng
Mới đây, trong kỳ đăng công khai tháng 7, Cục Thuế TP. Hà Nội công khai lần đầu nợ thuế đối với 281 trường hợp nộp thuế, với tổng số nợ khó thu và khả năng thu 112,5 tỷ đồng. Cùng với đó là 136 người nộp thuế sau khi thực hiện công khai trong năm 2022 đến thời điểm rà soát, đã nộp hết nợ với số tiền gần 40 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, tính tới kỳ khóa sổ 31/5, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết có 205 người nộp thuế nợ thuế, phí công khai lần đầu với số tiền gần 80 tỷ đồng.
Đáng chú ý, riêng CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (Long Giang Land) có mã số thuế 0101184201, nợ "khủng" gần 55 tỷ đồng, chiếm đến gần 70% nợ thuế trong danh sách này.
Trong đó, Long Giang Land nợ thuế thu nhập doanh nghiệp gần 16 tỷ đồng; nợ gần 14 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản; nợ gần 7 tỷ thuế giá trị gia tăng; nợ hơn 6,5 tỷ tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng; nợ hơn 6 tỷ tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các khoản nợ khác…
Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Long Giang Land giảm sút rõ rệt. Hai năm vừa qua, công ty chỉ đạt lợi nhuận vỏn vẹn khoảng 4 tỷ đồng. Nợ phải trả cuối năm 2021 lên tới gần 900 tỷ đồng. Bước sang năm 2022, trong quý I, Long Giang Land ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 52 tỷ, báo lợi nhuận đạt hơn 2 tỷ đồng trong khi mục tiêu đặt ra lên tới 650 tỷ đồng doanh thu và 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Dù vậy, Long Giang Land đặt ra tham vọng rất lớn trong việc phát triển chuỗi bất động sản mang thương hiệu Rivera Park khắp cả nước.