Những con số kinh tế bất thường của Trung Quốc

28/04/2022 19:13

Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng GDP trong quý I đạt 4,8%. Nhưng kết quả khảo sát của các hãng nghiên cứu độc lập nói lên câu chuyện khác.

Bloomberg nhận định làn sóng dịch Covid-19 mới đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng những dữ liệu mới nhất được Bắc Kinh công bố đặt ra nhiều câu hỏi. Theo đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã tăng tốc từ 4% trong quý IV/2021 lên 4,8% trong quý I, ngay cả khi doanh số bán nhà lao dốc, các lệnh phong tỏa làm tê liệt hoạt động của hàng chục thành phố.

"Lĩnh vực bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 20% GDP Trung Quốc. Như vậy, phần còn lại của nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng 7-8% để GDP tăng 4,8% trong quý I, như số liệu được Bắc Kinh công bố", ông Logan Wright - Trưởng bộ phận Trung Quốc tại Rhodium Group LLC - nhận định. Và điều này rất khó xảy ra.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022. Giới chức Bắc Kinh vẫn giữ nguyên mục tiêu này, ngay cả khi biến thể Omicron bắt đầu lan rộng vào tháng 3. Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đạt khoảng 4,9%.

Theo các con số được Bắc Kinh công bố, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã tăng tốc từ 4% trong quý IV/2021 lên 4,8% trong quý I/2022. Ảnh: Reuters.

Những con số đáng ngờ

Trên thực tế, Trung Quốc chưa từng điều chỉnh mục tiêu GDP, và chỉ một lần thừa nhận không đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đó là vào năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Đáng nói, Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Các quan chức địa phương đứng trước áp lực đạt được những mục tiêu đặt ra. Điều này khiến ông Wright đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của các con số mà nước này công bố.

Chi tiêu hộ gia đình là động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Các dữ liệu chính thức chỉ ra thu nhập khả dụng của người dân tăng 5,1% trong quý I. Nhưng khảo sát của những tổ chức độc lập đã nói lên câu chuyện khác.

Theo khảo sát của Credit Suisse Group AG với các hộ gia đình ở 56 thành phố, tăng trưởng thu nhập trung bình chỉ đạt 1% trong giai đoạn này.

Hãng nghiên cứu SpaceKnow Inc. (có trụ sở ở New York) đã sử dụng vệ tinh để theo dõi số lượng phương tiện trong các bãi đỗ xe bên ngoài những trung tâm mua sắm ở Trung Quốc. Các kết quả chỉ ra sự sụt giảm trong hoạt động bán lẻ tháng 3.

Kết quả này phù hợp với dữ liệu chính thức của Trung Quốc. Theo đó, doanh số bán lẻ trong tháng 3 giảm 3,5% so với một năm trước đó.

Doanh số bán nhà tại Trung Quốc lao dốc mạnh, trong khi ngành công nghiệp bất động sản chiếm tới 20% GDP Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Theo các con số được Trung Quốc công bố, mức tăng sản lượng tổng hợp của những sản phẩm từ robot công nghiệp đến hàng dệt may đạt 6,5% trong quý I. Con số này tương đương với tốc độ trước đại dịch.

Những theo tính toán của Rhodium, sản lượng công nghiệp chỉ tăng bằng 50% so với tốc độ của 3 quý trước đó, tức trước đợt bùng phát Covid-19 mới.

Đầu tư cũng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhiều hơn hầu hết nền kinh tế lớn khác. Nhưng giới quan sát cho rằng các con số về đầu tư tài sản cố định của nước này khá đáng ngờ.

Trong quý I, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sản lượng vật liệu xây dựng giảm ít nhất 10%.

Dựa trên các vệ tinh được Foursquare sử dụng để theo dõi những công trường xây dựng ở 3 khu vực kinh tế hàng đầu Trung Quốc, các hoạt động xây dựng giảm tới 57% trong giai đoạn này so với cùng kỳ năm trước.

Thiếu độ tin cậy

Theo ông Carsten Holz - chuyên gia về thống kê Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, một lý do lớn khiến các dữ liệu về đầu tư của Trung Quốc không đáng tin cậy là chúng phụ thuộc nhiều vào những báo cáo của chính quyền địa phương.

"Họ đang chịu áp lực lớn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ", ông giải thích.

Một lý do lớn khiến các dữ liệu về đầu tư của Trung Quốc không đáng tin cậy là chúng phụ thuộc nhiều vào những báo cáo của chính quyền địa phương. Họ đang chịu áp lực lớn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ

Ông Carsten Holz tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong

Các nhà kinh tế tại Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,2%.

Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% mà Bắc Kinh đưa ra trong năm nay.

"Chúng tôi lo ngại rằng so với năm 2020, Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn", bà Winnie Wu - chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại Bank of America Securities - nhận định.

Theo bà Wu, đầu tiên, hồi năm 2020, các hạn chế chỉ tập trung ở một tỉnh, thay vì phong tỏa trên diện rộng như thời điểm hiện tại. "Điều đó dẫn tới sự gián đoạn với quy mô lớn trong hoạt động vận tải và hậu cần", bà nhận định.

Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo dữ liệu của Nomura Holdings, các thành phố chiếm tới 40% GDP, tương đương 7.200 tỷ USD, của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Thêm vào đó, nguy cơ phong tỏa kéo dài khi dịch bệnh đã xuất hiện được 3 năm khiến người tiêu dùng không còn sẵn sàng chi tiêu. Tình trạng bất ổn liên quan tới đại dịch cũng làm suy yếu niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Những con số kinh tế bất thường của Trung Quốc" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).