Những dự án 'bánh vẽ' ở Bắc Kạn [Bài 1] Cục nợ ngàn tỷ trên đỉnh Khau Thăm

13/05/2022 12:18

Trước những năm 2010, tỉnh Bắc Kạn trở thành điểm đến của những dự án “bánh vẽ” ngàn tỷ, nhưng không hoạt động trở thành những cục nợ khổng lồ.

Từ kỳ vọng cho đến vô vọng

Công ty TNHH Ngọc Linh (gọi tắt là Công ty Ngọc Linh) có địa chỉ tại số 381, đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, năm 2007 được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư số 13101000018 đầu tư nhà máy sản xuất kẽm thỏi và các sản phẩm khác từ kẽm như chì, bột oxit kẽm…

Nhà máy được đặt tại đỉnh đèo Khau Thăm, thuộc bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn. Quy mô sản xuất hàng năm dự kiến là 25.000 tấn kẽm, 6.000 - 10.000 tấn chì, 1.200 tấn bột kẽm oxit và 40.000 tấn axit sunfuaric. Dự kiến ban đầu của dự án này là đến quý II/2017 sẽ hoàn thiện và đi vào vận hành chính thức.

Những năm trước 2010, Bắc Kạn là một tỉnh thuần nông, mặc dù nhiều khoáng sản nhưng chỉ cấp phép khai thác, rồi bán ra ngoài nên hiệu quả kinh tế thấp, tổng thu ngân sách Nhà nước cả tỉnh Bắc Kạn đạt chưa tới 200 tỷ đồng/năm. Vì vậy, trên các phương tiện truyền thông thông tin liên tục rằng Công ty Ngọc Linh sẽ xây dựng một nhà máy chế biến sâu chì, kẽm có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, đóng góp ngân sách tỉnh Bắc Kạn hàng ngàn tỷ mỗi năm. Doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ trở thành cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn, vì vậy dự án được các cấp lãnh đạo của địa phương này hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư.

Đã 15 năm, nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn của Công ty Ngọc Linh chưa một lần hoạt động chính thức. Ảnh: TN.

Đã 15 năm, nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn của Công ty Ngọc Linh chưa một lần hoạt động chính thức. Ảnh: TN.

Đã là 15 năm trôi qua, nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn của Công ty Ngọc Linh sau 9 lần được UBND tỉnh Bắc Kạn thay đổi quyết định đầu tư (lần thứ 09 ngày 22 tháng 5 năm 2019), tổng mức đầu tư ban đầu là 789 tỷ đồng được nâng lên tới hơn 2.185 tỷ đồng. Đến nay, nhà máy này chưa một lần vận hành chính thức, ngày ngày phơi sương, phơi nắng trên đỉnh đèo Khau Thăm và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ hoạt động.

Ông Trần Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái cho biết: Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn của Công ty Ngọc Linh được xây dựng trên địa bàn xã nhưng không có đóng góp gì đáng kể cho địa phương, thậm chí còn gây hại cho người dân. Năm 2019, bể chứa của nhà máy bị sạt lở, gây vùi lấp suối và ruộng khoảng hơn 1ha, ảnh hưởng tới canh tác của bà con, nhưng đơn vị này không khắc phục triệt để. Một vấn đề khác, công ty này nợ tiền công của một số người dân địa phương làm công thời vụ.

Hồ chứa nước của Công ty Ngọc Linh bị vỡ vào năm 2019, gây vùi lấp hơn 1ha đất nông nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để và đền bù thiệt hại cho người dân. Ảnh: TN.

Hồ chứa nước của Công ty Ngọc Linh bị vỡ vào năm 2019, gây vùi lấp hơn 1ha đất nông nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để và đền bù thiệt hại cho người dân. Ảnh: TN.

Ai được lợi, ai mất khi xây dựng nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn?

Công ty Ngọc Linh lấy lý do không có nguyên liệu để hoạt động, dẫn tới những dây chuyền đã lắp đặt xong không thể hoạt động. Nhưng thực tế, trước đó UBND tỉnh Bắc Kạn xem xét cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản tại mỏ chì, kẽm Ba Bồ, nhưng vì không có tiền nên không giải phóng được mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo.

Ngoài ra đơn vị này cũng được cấp quyền khai thác mỏ Bó Liều theo giấy phép khai thác số 1094a/GP-UBND ngày 21/6/2011 của UBND tỉnh Bắc Kạn. Mỏ này có diện tích khai thác 102,5 ha; trữ lượng được khai thác 80.000 tấn quặng chì, kẽm; công suất khai thác 20.000 tấn/năm.

Vì vậy lý do thiếu nguồn nguyên liệu hoạt động là không đúng thực tế, bởi các chức năng và chính quyền địa phương ở Bắc Kạn luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho doanh nghiệp này hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ, đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Theo thông tin từ Sở Công thương Bắc Kạn và những báo cáo của Công ty Ngọc Linh, khi xây dựng nhà máy thiết bị được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mà bài học nhãn tiền tại tỉnh Bắc Kạn là đã có nhiều nhà máy nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc về không sử dụng được (như nhà máy của Công ty Na Rì Hamico tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn; nhà máy của Công ty Việt Trung tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn; nhà máy gang Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông,…). 

Lý của những vụ việc này là do nhập máy móc nhập từ Trung Quốc về đa phần là máy móc cũ, lạc hậu và không có nhà máy nào có thể hoạt động được. Nhưng bù lại là có giá ghi trong hồ sơ cao để vay vốn ngân hàng.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Ngọc Linh nằm phơi sương, phơi nắng. Ảnh: TN.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Ngọc Linh nằm phơi sương, phơi nắng. Ảnh: TN.

Dự án của Công ty Ngọc Linh cũng vậy, theo điều chỉnh quyết định đầu tư lần thứ 9, tổng vốn dự án là 2.185 tỷ đồng, phần vốn góp của đơn vị này là 355,8 tỷ đồng (chỉ chiếm 16%), ngoài ra là vốn huy động và phần lớn là vốn vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nam Hà Nội (BIDV Nam Hà Nội).

Ngày 2/12/2021, Ngân hàng BIDV Nam Hà Nội đã thông báo bán đấu giá lần thứ 9 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ là hơn 2.539 tỷ đồng (dư nợ gốc là 1.380.987.781.993 VND; dư nợ lãi và phí phạt là 1.159.337.442.282 VND).

Tài sản bảo đảm chính là nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích hơn 64 ha (bao gồm tất cả các hạng mục công trình liên quan đến hoặc thuộc về Dự án Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, bao gồm không giới hạn bởi nhà máy, các tài sản khác gắn liền trên đất; các phương tiện, máy móc, thiết bị và mọi bất động sản khác được xây dựng, mua, nâng cấp,… để phục vụ cho vận hành của nhà máy).

Đống nợ ngàn tỷ của Công ty Ngọc Linh, với tài sản hiện tại chỉ là những nhà xưởng, máy móc không hoạt động được và không khác gì bãi sắt vụn trên đỉnh Khau Thăm. 

Giá trị đầu tư thực tế Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn như thế nào? hay những ai được hưởng lợi từ việc nhà máy này xây dựng và đang “đắp chiếu” thì chỉ có những người lãnh đạo của Công ty Ngọc Linh mới biết. 

Ảnh chụp màn hình thông báo bán đấu giá tài sản trên trang Web của BIDV Nam Hà Nội đối với khoản vay thế chấp của Công ty Ngọc Linh. Ảnh: TN.

Ảnh chụp màn hình thông báo bán đấu giá tài sản trên trang Web của BIDV Nam Hà Nội đối với khoản vay thế chấp của Công ty Ngọc Linh. Ảnh: TN.

Bị ngân hàng rao bán tài sản vẫn báo cáo hoạt động đầu tư

Mặc dù đã bị BIDV Nam Hà Nội rao bán đấu giá tới 9 lần, nhưng không hiểu vì lý do nào đó, Công ty Ngọc Linh vẫn phải duy trì hoạt động trên giấy tờ, báo cáo UBND tỉnh Bắc Kạn và Sở Công thương Bắc Kạn về kế hoạch hoạt động với những viễn cảnh tươi sáng về hoạt động, tiến độ thực hiện dự án,...

Báo cáo có những điểm chính như sau:

  • Dây chuyền sản xuất kẽm đã xây dựng và lắp đặt xong máy móc, thiết bị các hạng mục chính (như: Dây chuyền lò quay công suất 30.000 tấn/năm; Dây chuyền lò thiêu tần sôi (bột cát kết; Dây chuyền sản xuất axít sunfuaric; Dây chuyền ngâm tách - tính hóa sản xuất ZnSO4). Dây chuyền điện phân kẽm hiện nay đã xây dựng và lắp đặt thiết bị đạt khoảng 90% khối lượng và nhập khẩu 100% máy móc, thiết bị. Dự kiến hoàn thiện việc lắp đặt máy móc, thiết bị và chạy thử trong năm 2023.
  • Dây chuyền sản xuất chì, hạng mục nung luyện: Phần xây dựng đạt khoảng 80%; nhập khẩu dây chuyền máy móc, thiết bị khoảng 40%, trong đó mới lắp đặt được khoảng 20%; Hạng mục điện phân: Phần xây dựng hoàn thiện khoảng 80% và nhập khẩu 50% khối lượng dây chuyền máy móc, thiết bị và đang chuẩn bị công tác lắp đặt máy móc, thiết bị. Công ty TNHH Ngọc Linh dự kiến hoàn thành xây dựng, chạy thử dây chuyền trong cuối năm 2022.
  • Xưởng tuyển nổi chì, kẽm công suất 500 tấn/ngày đã xây dựng xong và vận hành sản xuất từ tháng 6 năm 2021.
  • Về hạng mục sản xuất đồng, Công ty đã nhập khẩu được khoảng 90% máy móc, thiết bị. Hiện nay đang tổ chức xây dựng, lắp đặt dây truyền sản xuất được khoảng 80% khối lượng và dự kiến đưa dây truyền vào vận hành chạy thử và cuối năm 2022 đưa dây truyền sản xuất đồng vào hoạt động sản xuất chính thức.
  • Kế hoạch hoàn thành toàn bộ dự án là trong năm 2023. Nhưng hiện nay, khó khăn vướng mắc của Công ty là việc huy động nguồn lực tài chính và vấn đề nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu từ Trung Quốc bị ngưng trệ.

Vậy vì sao "cục nợ" trên đỉnh Khau Thăm chưa được “chết”? Câu hỏi này xin dành cho những ngành chức năng.

Bạn đang đọc bài viết "Những dự án 'bánh vẽ' ở Bắc Kạn [Bài 1] Cục nợ ngàn tỷ trên đỉnh Khau Thăm" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).